Gia tăng trẻ em nhập viện vì bệnh truyền nhiễm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hiện dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát trên toàn quốc. Tuy nhiên, do thời tiết thay đổi thất thường khi vào hè, khiến tỷ lệ trẻ em phải đi khám và nhập viện điều trị về các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay - chân - miệng… tăng cao.
Số trẻ em nhập viện vì tay - chân - miệng gia tăng trong thời gian gần đây.
Số trẻ em nhập viện vì tay - chân - miệng gia tăng trong thời gian gần đây.

Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Theo đó, số trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng do khu vực phía Nam bắt đầu vào mùa mưa. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết, từ ngày 20/5-26/5, thành phố đã ghi nhận 121 ổ dịch sốt xuất huyết mới, tăng 42 ổ dịch mới so với tuần trước đó. Cũng từ ngày 20/5-26/5, TP HCM ghi nhận 1.402 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 457 ca (48,4%) so với trung bình 4 tuần trước đó. Số ca bệnh sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận, huyện, thành phố Thủ Đức (trừ quận 12 và Phú Nhuận).

Theo PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, thời gian gần đây mưa nhiều nên khuynh hướng bệnh sốt xuất huyết Dengue sẽ có xu hướng tăng cao.

Tỉnh Đồng Tháp đã ghi nhận hơn 1.300 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm 2021, các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao gồm: huyện Hồng Ngự, TP Hồng Ngự, TP Cao Lãnh.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, từ đầu năm đến nay ghi nhận gần 330 trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết, trong đó có 16% ca nặng. Bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc thể nặng tái sốc kèm suy đa cơ quan.

Tại Đà Nẵng đã ghi nhận hơn 1.300 ca sốt xuất huyết, tăng cao gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Còn tại Bình Dương, đây đang là địa phương có diễn biến dịch sốt xuất huyết phức tạp. Toàn tỉnh đã có hơn 2.200 ca mắc, tuy nhiên vẫn chưa phải đỉnh dịch. Bác sĩ Huỳnh Thị Thanh Lan, Phó trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Thuận An (Bình Dương), cho biết những ngày cuối tuần, nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện không đủ giường nằm. Khoa Nội của Bệnh viện cũng được huy động để hỗ trợ. Sở Y tế Bình Dương cho biết tỉnh này đã ghi nhận ít nhất 5 ca tử vong do sốt xuất huyết trú tại thị xã Tân Uyên (2 ca), TP Thuận An (1 ca) và TP Dĩ An (2 ca).

Số ca nhập viện vì tay - chân - miệng gia tăng

Tại Hà Nội, chỉ trong 2 tháng 4 và 5, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận tới gần 780 ca mắc tay - chân - miệng, trong khi 2 tháng trước đó chỉ ghi nhận xấp xỉ 20 ca. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, tại miền Bắc thời tiết năm nay thay đổi thất thường. Nếu như mọi năm, thời điểm tháng 5 thường nắng nóng thì năm nay vẫn có ít ngày lạnh, vì vậy, có thể dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội sẽ bùng muộn hơn, vào khoảng tháng 7, tháng 8. Do đó, người dân tuyệt đối không được chủ quan.

Cũng trong 5 tháng đầu năm 2022, TP HCM ghi nhận 3.699 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng với 96% các trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 1-5. PGS.TS Phạm Văn Quang cho hay, hiện trẻ đến khám và nhập viện vì mắc bệnh tay - chân - miệng tại bệnh viện tuy có tăng nhưng hầu hết là độ 1 và 2. Chưa có ca nào nặng cần thở máy hay lọc máu. Dự kiến về số trẻ mắc tay - chân - miệng trong thời gian tới, ông Quang cho rằng do đang trong thời điểm dịch bệnh tay - chân - miệng nên số ca mắc sẽ tăng nhưng hầu hết là nhẹ, khác với bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng và nặng.

Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cũng thông tin, kể từ cuối tháng 4 đầu tháng 5 đến nay, lượng bệnh nhi mắc bệnh tay - chân - miệng đến khám và nhập viện gia tăng đột biến. Riêng trong tháng 5, lượt bệnh khám đã tăng gấp 7 lần so với tháng 4, trong đó tại khoa nhiễm kể từ đầu tháng 5 đến nay, mỗi ngày có 100 trường hợp nhập viện điều trị nội trú. BS Trương Cẩm Trinh - Trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - cho biết, ngoài bệnh nhi tại Cần Thơ, Bệnh viện cũng tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp đến từ Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh...

Theo cảnh báo từ các địa phương phía Nam, đặc biệt khu vực miền Tây Nam Bộ, bệnh tay - chân - miệng cũng đang gia tăng. Sở Y tế Bình Định cho biết, từ đầu năm đến ngày 30/5, trên địa bàn toàn tỉnh Bình Định cũng đã ghi nhận 53 ca mắc bệnh tay - chân - miệng. Trong đó chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi (chiếm 49 trên tổng số 53 ca mắc).

Trong tháng 4 và 5, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa liên tục tiếp nhận các ca mắc bệnh tay - chân - miệng, trong đó chủ yếu là trẻ em và nhẹ do được đưa đến cơ sở y tế kịp thời.

Ngoài tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, các bệnh truyền nhiễm khác cũng bắt đầu gia tăng. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày, Khoa Tiêu hóa tiếp nhận khoảng 200 trẻ có vấn đề tiêu hóa đến khám, trong đó khoảng 20 trẻ có triệu chứng nôn, tiêu chảy. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ bị tay - chân - miệng và hô hấp với biểu hiện nặng phải nhập viện cũng có dấu hiệu tăng.

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hoá nhận định: “Thời tiết mùa hè dễ làm cho virus, vi khuẩn phát triển. Thứ nhất là nhiệt độ nóng ẩm - môi trường phát triển thuận lợi cho các loại côn trùng như kiến, gián... phát triển, đây cũng là nguồn lây bệnh cho trẻ. Bên cạnh đó là thói quen ăn các loại thức ăn nguội, làm sẵn vào mùa hè cũng rất dễ bị nhiễm khuẩn ở môi trường bên ngoài”.

Còn tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, mỗi ngày có vài trăm trẻ tới khám và hiện có khoảng 60 trẻ mắc các bệnh hô hấp và truyền nhiễm có biểu hiện nặng được chuyển từ các tuyến lên để điều trị. Trong đó khoảng 40 - 50% là trẻ mắc tay - chân - miệng và các bệnh lý tiêu hóa.

Các bác sĩ khuyến cáo: Trong bối cảnh nhiều dịch bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn và virus đang dấu hiệu bùng phát khi thời tiết vào hè, vì vậy, các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú ý tới sức khỏe của trẻ ở giai đoạn này, luôn cho trẻ ăn chín, uống sôi và vệ sinh sạch sẽ. Khi trẻ có biểu hiện bất thường cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, không tự ý cho trẻ dùng thuốc tại nhà.

Đọc thêm