Gia tăng trẻ ho, sốt kéo dài, cha mẹ cần làm gì?

0:00 / 0:00
0:00
Trẻ nhập viện với các biểu hiện ho, sốt, khó thở có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, mỗi ngày khu khám bệnh điều trị ngoại trú của BV tiếp nhận khoảng 200 lượt thăm khám mỗi ngày liên quan đến các bệnh lý đường hô hấp.

Riêng Trung tâm Hô hấp của BV mỗi ngày tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhi nhập viện do mắc các bệnh lý viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm tiểu phế quản và các bệnh lý chuyên khoa khác.

Điển hình như trường hợp của bệnh nhi Dương Văn Phúc (14 tháng tuổi, ở Quảng Ninh) trước nhập viện 3 ngày cháu có dấu hiệu sổ mũi, thỉnh thoảng xuất hiện các cơn ho, gia đình cho uống siro điều trị nhưng không đỡ, các cơn ho ngày càng dữ dội hơn. Bệnh nhân khò khè, khó thở, khi vào Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám đã ở tình trạng nặng phải thở oxy.

BS. Nguyễn Thị Lê – Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, đây là ca bệnh rất điển hình của bệnh viêm tiểu phế quản, cháu không hề sốt cao hay nhiễm trùng gì nhiều nhưng bệnh tiến triển rất nhanh.

Bệnh viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, hầu như những trẻ trên 2 tuổi thường bị rất nhẹ hoặc ít bị, trẻ trên 1 tuổi dễ mắc nhưng ít khi diễn tiến nặng. Tuy nhiên trường hợp của bé Dương 14 tháng tuổi nhập viện với các dấu hiệu khá nặng như ho nhiều, khò khè, khó thở phải thở oxy, nôn trớ nhiều...

BS. Lê khuyến cáo, các bệnh lý viêm đường hô hấp dưới thường đi kèm với các bệnh lý viêm đường hô hấp trên, do vậy sau khi xuất viện, để tránh bệnh tái lại cha mẹ cần chú ý chăm sóc đường hô hấp trên cho con cẩn thận như rửa mũi bằng nước muối sinh lý, súc họng hàng ngày cho trẻ và điều quan trọng là vệ sinh tay thường xuyên cho trẻ.

Trẻ ho sốt, kéo dài cha mẹ cần làm gì? - Ảnh 1.

Sau một tuần nhập viện điều trị, các dấu hiệu viêm tiểu phế quản của bé Phúc đã đỡ, được xuất viện về nhà.

Khi nào cần cho trẻ nhập viện?

PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh – Giám đốc Trung tâm Hô hấp (BV Nhi Trung ương) cho biết: Nhiễm trùng đường hô hấp cấp là do virus, vi khuẩn gây ra. Bệnh có thể mắc quanh năm, nhưng vào giai đoạn giao mùa tỷ lệ mắc cũng tăng hơn cao hơn so với giai đoạn thời tiết khác.

Bệnh viêm đường hô hấp trên như viêm mũi, họng, viêm amidan… thông thường triệu chứng nhẹ hơn, tuy nhiên các bệnh viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm tiểu phế quản… cần phải phát hiện sớm và điều trị kịp thời nếu không sẽ để lại những biến chứng như nhiễm khuẩn toàn thân, suy hô hấp…

Khi bệnh nhi xuất hiện các dấu hiệu như ho, sốt, thở nhanh..., đây là triệu chứng của viêm phổi, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế.

Ngoài các triệu chứng trên, khi bệnh nhân xuất hiện một trong các dấu hiệu toàn thân nặng như sốt cao, co giật, nôn nhiều, ăn kém không ăn được hoặc dấu hiệu suy hô hấp như khó thở, tím tái, rút lõm lồng ngực… Đây là các dấu hiệu viêm phổi nặng cần đưa đến cơ sở y tế ngay.

Với các bệnh viêm đường hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm tai, viêm amidan… trẻ có các biểu hiện nhẹ như ho, sốt, sổ mũi, có thể điều trị tại nhà. Khi đó cần điều trị triệu chứng, khi trẻ sốt có thể cho trẻ uống hạ sốt theo hướng dẫn, vệ sinh mũi họng, uống thuốc ho long đờm và theo dõi nếu trẻ có những dấu hiệu nặng cần phải đưa đến cơ sở y tế.

Bên cạnh đó cần chú ý chế độ dinh dưỡng cho bé. Khi bị bệnh trẻ thường chán ăn, cha mẹ cần chú ý cho bé ăn từng ít một, nhiều bữa, theo dõi dấu hiệu mất nước (như môi khô, không có nước mắt…) để kịp thời bù nước cho bé. Có thể bù nước cho bé bằng oresol, nước canh, nước cháo…

Lưu ý, điều trị tại nhà cha mẹ không tự dùng kháng sinh cho trẻ vì có thể gây kháng thuốc, dùng không đúng liều lượng không những không khỏi bệnh còn nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ.

Cách phòng bệnh

Theo PGS. TS Lê Thị Hồng Hanh để phòng các bệnh viêm đường hô hấp, trước hết cần đảm bảo một đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh. Do vậy, cần chăm sóc trẻ ngay từ thời kỳ bào thai, khi mang thai người mẹ cần có một thai kỳ khỏe mạnh, đầy đủ dinh dưỡng để em bé sinh ra có sức đề kháng tốt sẽ ít mắc bệnh hơn.

Đảm bảo nuôi con bằng sữa mẹ, khi trẻ ăn dặm cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, có đủ thành phần protein, lipid, vitamin muối khoáng, tinh bột.

Chú ý chăm sóc giữ ấm cho trẻ, không để quá lạnh vào mùa đông, hoặc quá nóng vào mùa hè. Mùa hè cần chú ý lau mồ hôi để trẻ không bị nhiễm lạnh, vệ sinh mũi họng, súc miệng nước muối, nhỏ mũi hằng ngày cho trẻ.

Điều quan trọng là tiêm phòng đầy đủ cho trẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Lưu ý: Khi thấy con có triệu chứng về hô hấp phải phát hiện kịp thời, khi trẻ có biểu hiện nặng cần đi khám ngay để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Đọc thêm