Theo biên bản làm việc giữa 2 bên vào cuối năm 2018, dự kiến khối lượng than do TKV và TCty Đông Bắc cung cấp cho EVN trong năm 2019 là 25,84 triệu tấn, trong đó khối lượng than trong nước là 19 triệu tấn, khối lượng than trộn là 6,84 triệu tấn. Ngành Than lý giải, phải sử dụng than trộn cấp cho các nhà máy nhiệt điện than thuộc EVN là do TKV và TCty Đông Bắc không cung cấp đủ chủng loại than sản xuất trong nước nên phải nhập khẩu than để pha trộn với than trong nước.
Theo văn bản mới nhất của TKV và TCty Đông Bắc gửi EVN, giá than trộn đã được điều chỉnh từ ngày 5/1/2019. EVN cho hay giá than trộn theo đề xuất của TKV và TCty Đông Bắc cao hơn từ 188.000 - 273.000 đồng/tấn, tương đương 11,18% - 15,06% tuỳ loại.
Đại diện EVN cho hay, nếu áp dụng giá than trộn như đề xuất trên, thì chi phí mua điện năm 2019 tăng thêm khoảng 1.498,06 tỷ đồng. Trong đó, than trộn mua từ TKV tăng 1.062 tỷ đồng, than trộn mua từ TCty Đông Bắc tăng 435 tỷ đồng.
Trên cơ sở tình hình sản xuất điện, tình hình cung ứng than cho sản xuất điện năm 2019, EVN báo cáo Thủ tướng xem xét cho phép EVN và các đơn vị thành viên được sử dụng các loại than pha trộn giữa than nhập khẩu và than sản xuất trong nước do TKV và TCty Đông Bắc thực hiện với khối lượng và các mức giá do TKV và TCty Đông Bắc đề xuất.
Đồng thời trong văn bản báo cáo này, EVN cũng đề nghị Thủ tướng cho phép EVN tính toán giá than trộn là chi phí hợp lý, hợp lệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN và các đơn vị thành viên.
Trên cơ sở đó, EVN kiến nghị Thủ tướng cho phép các nhà máy điện được điều chỉnh giá bán điện trong hợp đồng mua bán điện và tham gia thị trường điện do sử dụng than trộn và được tính toán cập nhật vào giá điện bình quân trong năm 2019.
Trước đó, PLVN đã có bài phản ánh: “Cấp than cho điện: Phải hài hòa lợi ích giữa 2 “ông lớn”. Lúc đó, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri nói “than tăng giá như thế nào đương nhiên giá thành điện sẽ tăng theo tương ứng”. Trong khi đó, trong một cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định “chưa tăng giá điện”.
Như vậy, trước mắt, EVN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất và kinh doanh điện vì chi phí sản xuất đầu vào đã chắc chắn tăng theo “báo giá” mới từ ngành Than, nhưng giá điện bán ra như tuyên bố trên thì vẫn chưa thể tăng tương ứng. Ngoài ra, chưa kể Chính phủ vẫn chưa đồng ý cho EVN đưa phần chênh lệch mua than trong năm 2019 vào giá thành sản xuất điện.