Giá thành sản xuất điện năm 2022 tăng 9,27%

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 31/3, Bộ Công Thương họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Theo đó, giá thành sản xuất điện năm 2022 tăng 9,27% so với năm 2021 
Giá thành sản xuất điện năm 2022 tăng 9,27%

Theo công bố, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là hơn 419 nghìn tỷ đồng, năm 2022 là hơn 493 nghìn tỷ đồng (bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành).

Trong đó, chi phí khâu phát điện tăng cao nhất. Cụ thể, chi phí khâu phát điện năm 2021 tăng hơn 28.425 tỷ đồng so với năm 2020; Chi phí khâu phát điện năm 2022 tăng gần 73.000 tỷ đồng so với năm 2021.

Trung bình, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,90 đ/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020; Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021, thấp hơn nhiều so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.864 đồng/kWh).

Đáng chú ý, trung bình giá thành sản xuất điện năm 2022 được tính sau khi đã giảm trừ các khoản thu của EVN và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện.

Cũng theo công bố, chi phí sản xuất điện năm 2021 không hạch toán khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện. Tính đến hết năm 2021, các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện vào khoảng hơn 11.000 tỷ đồng.

Đại diện đoàn kiểm tra cũng thừa nhận, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294 tỷ đồng. Sau khi trừ đi thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 (10.058 tỷ đồng), tổng cộng năm 2022 EVN lỗ 26.235 tỷ đồng. Ngoài khoản lỗ này, EVN vẫn còn treo khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 vào khoảng hơn 3.000 tỷ đồng (là phần chênh lệch tỷ giá khi thực hiện mua điện).

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Trần Việt Hòa - cho biết, hiện EVN đã xây dựng phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2023. Bộ Công Thương đang phối hợp các cơ quan liên quan để rà soát và lên phương án phù hợp hài hòa lợi ích, đảm bảo tình hình tài chính của EVN và các mục tiêu điều hành ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Theo quy định, nếu giá điện đầu vào tăng 5% thì giá bán lẻ điện sẽ được điều chỉnh và nếu chi phí giảm thì sẽ được điều chỉnh giảm. Sau khi kiểm tra giá thành, nếu chi phí của ngành điện thay đổi dưới 5% thì thuộc thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ của EVN, nếu chi phí vượt quá 5% thì thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương, nếu chi phí đầu vào tăng trên 10% thì thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Đọc thêm