Giá thực phẩm "leo thang", tiền "chảy" vào "túi trung gian"

 Giá thịt heo và các loại rau xanh tại TP.Hồ Chí Minh tuy có giảm so với thời điểm đầu tháng 7 nhưng hiện vẫn còn “neo” ở mức cao ngất ngưởng. Trong khi đó, dự báo khả năng “hạ nhiệt” hai mặt hàng thiết yếu này trong thời gian tới là không đáng kể.

Giá thịt heo và các loại rau xanh tại TP.Hồ Chí Minh tuy có giảm so với thời điểm đầu tháng 7 nhưng hiện vẫn còn “neo” ở mức cao ngất ngưởng. Trong khi đó, dự báo khả năng “hạ nhiệt” hai mặt hàng thiết yếu này trong thời gian tới là không đáng kể.

Heo đắt giá, chủ trại cũng than

Tuần trước, giá thịt heo ở chợ đầu mối Bình Điền giảm mạnh 6.000 - 8.000 đồng/kg. Hiện thịt heo đã đứng giá nhưng vẫn ở mức cao. Cụ thể giá thịt ba rọi dao động từ 55.000-56 000 đồng/kg, thịt đùi 56.000-57.000 đồng/kg. Theo Ban quản lý chợ Bình Điền, thịt heo kìm giá là do nguồn cung tăng hơn so với đầu tháng 7, bình quân 370 tấn/ngày, tăng 14 tấn/ngày so tuần trước. Tại chợ Hóc Môn, lượng thịt heo về chợ hiện ổn định khoảng 230 tấn/đêm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan cho biết, giá thịt heo cao là do giá thức ăn gia súc tăng giá mạnh và tăng liên tục, chiếm mất phần lớn lợi nhuận của người chăn nuôi. Ông Trần Bình, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai giải thích, trừ những người chăn nuôi nhỏ lẻ, người nuôi heo quy mô lớn hầu hết đều phải vay vốn ngân hàng với lãi suất trên dưới 25%, trong khi đó giá nguyên liệu chăn nuôi hiện đã tăng tới trên 50%, các chi phí khác như con giống, thuốc thú y… cũng đều tăng mạnh, cho nên người chăn nuôi chỉ có lỗ tới hòa, dẫn đến tổng đàn hiện nay bị giảm rõ rệt. 

Trại chăn nuôi heo Biên Hào, Biên Hòa, Đồng Nai  vào đầu năm có 150 heo nái và 700 heo thịt, nay tổng đàn đã giảm gần một nửa. Bà Nguyễn Thị Bính, chủ trại heo nói: “Dịch bệnh thường xuyên xẩy ra đối với heo ở Đồng Nai và chưa thể kiểm soát được. Nuôi ít còn có thể hy vọng, nuôi nhiều dễ mất nghiệp lắm”.

Ông Trần Lập, chủ trại heo ở Dĩ An, tỉnh Bình Dương than: “Từ đầu năm đến nay giá cám đã tăng đến 7 lần, mức tăng của 7 lần gộp lại gần 2.000 đồng/kg cám, nuôi bao nhiều tiền cám ăn hết. Người nuôi heo bây giờ không đủ niềm tin vào thị trường vì chẳng có nguồn tin dự báo thị trường nào đáng tin cậy để mà theo, chăn nuôi bây giờ hầu như tự phát và phập phù như đánh bạc”.

Giá ở vườn chỉ bằng 1/3 giá bán lẻ

Từ ngày 27/7 đến 14/8, Co.opMart giảm giá đến 50% với hơn 300 mặt hàng, trong đó có  các loại thực phẩm. Dù đã giảm giá nhưng dưa leo ở siêu thị vẫn còn ở mức 4.900 đồng/kg, khoai lang 10.900 đồng/ kg, khoai mỡ  7.900 đồng/ kg. Tại các chợ lẻ, rau củ qủa  hiện đang là mặt hàng bán chạy dù giá rất cao. Tại chợ Tân Phú (quận Tân Phú), cải ngọt loại 1 giá 18.000 đồng/kg; cải xanh 20.000 đồng/kg; mồng tơi loại lá to 12 000 đồng/kg, loại ngọn 25 .000 đồng/kg. Giá này so với đầu năm đã tăng gần gấp đôi.

Giá các loại rau củ quả càng cao càng lộ rõ mức chênh lệch bất hợp lý trong chuỗi phân phối, hiện giá ở vườn chỉ bằng 1/3 giá bán lẻ. Tại khu vực Long Khánh, giá cải xanh bán cho thương lái tại vườn 4.500-5.000 đồng/kg, ở các điểm bán lẻ ở TP HCM giá 18.00-20.000 đồng/kg. Ông Bàng Văn Hy, người trồng rau chuyên nghiệp ở ngoại ô thị xã Long Khánh cho biết, từ xưa đến nay giá nhà vườn so với người đi mua ở Sài Gòn bao giờ cũng chỉ bằng trên dưới 1/3, phần lãi thuộc về các tư thương mua đi bán lại.

Giá rau xanh và các loại củ quả đang có xu hướng giảm nhưng theo các nhà vườn ở Đồng Nai, Bình Dương,  sắp tới khi mưa đổ nặng hạt nhiều khả năng sản lượng rau ở niềm Nam sẽ giảm, vì vậy giá lại tăng. Mặt khác, do giá cả leo thang, người tiêu dùng thay đổi thói quen dùng thịt chuyển qua dùng rau thay thế,  nhu cầu gia tăng thì đương nhiên cơ hội giảm giá sẽ không có nhiều.  

Mị Na

Đọc thêm