Thực trạng này được Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ chỉ ra tại Phiên họp thứ 10 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra sáng nay, 18/4 khi cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Theo Chủ tịch QH, phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo Luật Tần số vô tuyến điện bao gồm: cấp giấy phép trực tiếp; thông qua thi tuyển và đấu giá. Chủ tịch QH yêu cầu Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ vì sao từ ngày ban hành Luật đến nay đã hơn 10 năm chưa xảy ra trường hợp đấu giá, thi tuyển nào mà toàn cấp trực tiếp giấy phép quyền sử dụng tần số.
Trong khi báo cáo của Bộ cho biết, trước năm 2012, các nước châu Âu cấp phép 103 lượt băng tần, trong đó có 58 lượt qua đấu giá, 48 lượt qua thi tuyển. Từ năm 2016 đến nay, khảo sát 36 nước thì có 33/36 nước tổ chức đấu giá băng tần, riêng Nhật chỉ thi tuyển, Trung Quốc cấp trực tiếp. Báo cáo nêu, từ năm 2009 đến nay, Việt Nam chỉ cấp trực tiếp là vì sao? Có vướng mắc gì trong Luật cần sửa đổi?
Chủ tịch QH phát biểu tại Phiên họp thứ 10 sáng 18/4. |
Nhiều nước áp dụng phương thức đấu giá đối với băng tần có giá trị thương mại cao. “Phải chăng chúng ta chưa làm được trong thực tế vì Luật chưa quy định thế nào là băng tần có giá trị thương mại cao hoặc có nhu cầu sử dụng vượt khả năng phân bổ”, Chủ tịch QH đặt vấn đề và gợi ý Luật cần định nghĩa băng tần có giá trị thương mại cao, băng tần có nhu cầu sử dụng vượt khả năng phân bổ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch QH chỉ rõ, chúng ta có Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) thì quy trình đấu giá loại tài sản này sẽ theo quy định của Luật ĐGTS hay theo Luật Tần số vô tuyến điện? Doanh nghiệp nước ngoài tham gia đấu giá (hoặc thi tuyển) có ràng buộc điều kiện nào về quốc phòng – an ninh không?...
Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng, cần thiết phải đấu giá băng tần có giá trị thương mại cao vì đây là loại tài nguyên thuộc sở hữu Nhà nước. Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, bắt buộc phải đấu giá khi chuyển quyền sở hữu, sử dụng. Tương tự, Luật ĐGTS cũng quy định đối với tài sản Nhà nước là phải đấu giá. Hơn nữa, việc đấu giá bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh, đặc biệt giá trị sử dụng của băng tần là có giá trị thương mại cao, đấu giá sẽ có thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Liên quan đến việc đấu giá sẽ theo Luật nào, theo Thứ tưởng Phan Chí Hiếu, Luật ĐGTS quy định trình tự, thủ tục đấu giá, còn điều kiện, người tham gia đấu giá… theo luật chuyên ngành. Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với Bộ Tư pháp nêu rằng băng tần vô tuyến điện có đặc thù nên Bộ Tư pháp nhất trí, trường hợp cần thiết sẽ quy định riêng về trình tự, thủ tục tại Luật Tần số vô tuyến điện.
Như vậy, cần phải sửa Luật ĐGTS theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng luật chuyên ngành đối với trường hợp ngoại lệ và giao cho Chính phủ quy định chi tiết và lưu ý rà soát sửa đổi cả khoản 7 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông sau đó xin rút nội dung này trong dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện.