Tại thị trường vàng trong nước, giao dịch lúc 8h sáng nay:
Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 66,50-67,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giảm 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 820.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 66,50-67,30 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng là 800.000 đồng/lượng.
Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 66,50-67,30 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giảm 150.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 800.000 đồng/lượng.
Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam): giá vàng được niêm yết ở mức 1.863,70 USD/ounce, giảm 9,8 USD/ounce so với phiên giao dịch sáng qua. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.360), tương đương 53,04 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 13,46 triệu đồng/lượng.
Trả lời Kitco News, trưởng bộ phận phân tích Huw Roberts tại Quant Insight nói rằng việc điều chỉnh của vàng xuống dưới 1.900 USD/ounce sau khởi đầu tốt nhất trong một thập kỷ vào đầu năm có thể chưa kết thúc vì vàng đang được định giá quá cao.
Ông nói thêm rằng, tính ở mức cao nhất gần đây, vàng đang cao hơn khoảng 6,5% so với giá trị hợp lý của nó. Mức hợp lý của vàng là 1.822 USD/ounce, vì thế giá có thể sẽ còn giảm nữa.
Theo ông Roberts, mặc dù đợt điều chỉnh đã làm dịu thị trường một chút, nhưng môi trường vĩ mô tăng giá đang bắt đầu thay đổi, điều này có thể gây áp lực lên vàng trong thời gian tới.
Ông cũng đồng quan điểm với nhiều chuyên gia khác khi cho rằng, đà tăng của vàng đang thúc đẩy bởi nhu cầu kỷ lục của ngân hàng trung ương. Giá vàng đã thoát khỏi mức thấp nhất trong hai năm vào tháng 11 sau khi Hội đồng vàng thế giới (WGC) báo cáo rằng các ngân hàng trung ương đã mua gần 400 tấn vàng trong quý đầu tiên. Kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua một lượng vàng chưa từng có càng tăng lên.
Tuần trước, WGC báo cáo rằng các ngân hàng trung ương đã mua hơn 800 tấn vàng trong nửa cuối năm ngoái, tích lũy 417 tấn trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12. Năm 2022 là một năm kỷ lục, với việc các ngân hàng trung ương bổ sung 1.136 tấn vàng vào dự trữ ngoại hối toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Roberts nói rằng có vẻ như động lực mua hàng của ngân hàng trung ương đã hết và giờ các nhà đầu tư đang tập trung vào các chính sách tiền tệ toàn cầu, điều này có thể gây ra vấn đề đối với kim loại quý.