Giá vàng “lao dốc” sau “lệnh” của Thủ tướng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tuyên bố tăng cung vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng nhẫn đã lao dốc gần 2 triệu đồng/lượng còn vàng miếng SJC cũng “bốc hơi” trên 2 triệu đồng/lượng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại thị trường vàng trong nước, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng giao dịch tại các thương hiệu kim hoàn đồng loạt giảm sâu.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng được niêm yết ở mức 80,60 - 83,10 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 1,9 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,4 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Tại DOJI Hà Nội, giá vàng SJC cũng được niêm yết ở mức 80,60-83,10 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra), giảm 2,2 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 1,7 triệu đồng/lượng chiều bán ra do với chốt phiên giao dịch hôm qua.

Giá vàng cũng được điều chỉnh giảm mạnh tại Phú Quý SJC đang niêm yết vàng miếng SJC với giá 80,70-82,90 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 1,9 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 1,6 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch hôm qua.

Giá bán vàng nhẫn cũng "bốc hơi" hàng triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng ở mức 74,08-76,08 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 1,5 triệu đồng/lượng cả 2 chiều mua và bán so với chốt phiên giao dịch hôm qua.

Tại Công ty SJC, giá bán vàng nhẫn 9999 giảm 950.000 đồng/lượng, rơi về mức 76,20 triệu đồng/lượng chiều bán ra và mua vào còn 74,30 triệu đồng/lượng.

Giá bán vàng nhẫn 9999 tại Công ty DOJI lao dốc 1,9 triệu đồng/lượng, bán ra còn 76,15 triệu đồng/lượng, mua vào còn 74,05 triệu đồng/lượng.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn 11,98 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn 9999 cao hơn 5,05 triệu đồng/lượng.

Như vậy, tuần qua dù giá vàng nhiều phiên liên tiếp leo đỉnh và lập kỷ lục mới tuy nhiên đến 2 phiên cuối tuần, giá vàng lại liên tục lao dốc.

Giá vàng trong nước đã giảm mạnh sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xử lý ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, đồng thời bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, hiệu quả.

Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước cũng thông báo tăng cung vàng miếng để xử lý chênh lệch giá.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng tại thông báo kết luận về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai ngay các giải pháp gồm:

Với thị trường vàng miếng, thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới.

Với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.

Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý.

Đồng thời, cơ quan này cũng thực hiện ngay công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng.

Với hoạt động thanh tra, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành đã thành lập xong đoàn thanh tra và sẽ triển khai ngay trong tháng 4 này.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, đối với Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện Nghị định 24 và cũng đã đề xuất một số phương hướng chỉnh sửa, bổ sung đối với Nghị định 24 và triển khai trong thời gian tới.