Giá vàng thế giới "hạ nhiệt', trong nước 'đi quanh' mức 66 triệu đồng/lượng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng nay - 15/3, giá vàng thế giới quay đầu giảm sau khi tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tuần qua, hiện giao ở mức 1.901,80 USD/ounce.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại thị trường vàng thế giới (giao dịch lúc 7h30 ngày 15/3, theo giờ Việt Nam): Giá vàng được niêm yết ở mức 1.901,80 USD/ounce, giảm 1,7 USD/ounce so với phiên giao dịch sáng qua. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.370), tương đương 54,14 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 12,01 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới đảo chiều đi xuống trong bối cảnh thị trường giảm bớt lo lắng sau sự cố (SVB) phá sản và Signature Bank bị đóng cửa. Điều này thể hiện khá rõ khi chứng khoán Mỹ tăng điểm trở lại sau hai phiên liên tiếp chìm trong sắc đỏ, lãi suất trái phiếu Mỹ đi lên. Nghĩa là dòng tiền chảy vào kim loại quý bị hạn chế. Giá vàng hôm nay không có động lực để nhảy vọt.

Đặc biệt, sau khi SVB và Signature Bank rơi vào khủng hoảng, giới đầu tư tài chính kỳ vọng Mỹ sẽ dừng tăng lãi suất khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 -2023 xuống còn 6%, giảm 0,4 điểm % so với tháng trước và phù hợp với dự báo của thị trường.

Tuy nhiên, giới phân tích vẫn nhận định lạm phát tại Mỹ trong thời gian tới có thể nóng lên. Phản ứng thông tin này, đồng USD ngưng đà giảm giá, tăng trở lại trong sáng nay.

Tại thị trường vàng trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 14/3:

Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 66,15-66,87 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Chênh lệch giá mua-bán vàng là 720.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 66,15-66,85 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Chênh lệch giá mua – bán vàng là 700.000 đồng/lượng.

Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 66,10-66,90 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Chênh lệch giá mua – bán vàng là 800.000 đồng/lượng.

Tỷ giá USD hôm nay - 15/3: CPI Mỹ tăng khiến đồng USD tăng giá trở lại

Tại thị trường thế giới (giao dịch lúc 7h30 sáng nay -15/3, theo giờ Việt Nam): Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 103,72 điểm, tăng 0,11% so với phiên giao dịch sáng qua. Hiện 1 Euro đổi 1,073 USD; 1 bảng Anh đổi 1,215 USD; 1 USD đổi 134,42 yên.

Đồng USD tăng nhẹ do số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,4% trong tháng 2, khiến Fed chịu áp lực phải tiếp tục tăng lãi suất.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,4% trong tháng 2, sau khi chứng kiến mức tăng 0,5% trong tháng 1. Tính đến tháng 2, CPI đạt mức tăng hằng năm là 6,0%, tốc độ chậm hơn so với mức tăng hằng năm 6,4% trong tháng 1, nhưng vẫn còn cách xa mục tiêu 2% của Fed.

Bên cạnh đó, sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon vào cuối tuần trước cho thấy sự giám sát chặt chẽ hơn của Fed đối với lĩnh vực ngân hàng khi tín dụng được thắt chặt.

Người Mỹ phải đối mặt với việc chi phí thuê nhà và thực phẩm tăng liên tục trong tháng 2, thách thức Fed buộc phải vừa kiểm soát lạm phát, vừa ổn định thị trường tài chính.

Tại thị trường trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 14/3:

Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức: 23.618 đồng.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 23.450 VND/USD ở chiều mua vào và 24.780 đồng/USD bán ra.

Tỷ giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại, như sau:

Tỷ giá Vietcombank niêm yết ở mức 23.370 đồng/USD (mua vào) – 23.740 đồng/USD (bán ra); VietinBank niêm yết tỷ giá ở mức 23.395 đồng/USD (mua vào) – 23.735 đồng/USD (bán ra); BIDV niêm yết tỷ giá ở mức 23.440 đồng/USD (mua vào) – 23.740 đồng/USD (bán ra).