Giá vàng trong nước sẽ tự điều chỉnh với thế giới?

Giá vàng trong nước và thế giới đang có mức chênh lệch kỷ lục – trên dưới 5 triệu đồng/lượng. Dù Ngân hàng Nhà nước không đặt vấn đề giá trong nước phải sát giá thế giới, thế nhưng có ý kiến cho rằng, dự kiến khoảng cách này cũng “tự động điều chỉnh” chỉ còn “vài trăm nghìn” vào khoảng cuối quý II…

Giá vàng trong nước và thế giới đang có mức chênh lệch kỷ lục – trên dưới 5 triệu đồng/lượng. Dù Ngân hàng Nhà nước không đặt vấn đề giá trong nước phải sát giá thế giới, thế nhưng có ý kiến cho rằng, dự kiến khoảng cách này cũng “tự động điều chỉnh” chỉ còn “vài trăm nghìn” vào khoảng cuối quý II…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thị trường tự điều chỉnh khoảng cách giá?

Về vấn đề chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình bày tỏ quan điểm, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng không đặt vấn đề giá trong nước phải sát giá thế giới, mà chỉ đặt mục tiêu ổn định giá vàng để ổn định kinh tế vĩ mô. “Nếu Ngân hàng Nhà nước can thiệp để thu hẹp khoảng cách giá vàng giữa hai thị trường là đi ngược với mục tiêu của Nghị định 24/2012/NĐ-CP” – Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.

Theo nhận định của các chuyên gia, dù có sự chênh lệch ngày càng rộng giữa giá vàng nội – ngoại nhưng không đi kèm với hiện tượng “sốt vàng”, chủ yếu là do việc gom vàng của các tổ chức tín dụng để tất toán trạng thái, còn nhu cầu của người dân không có gì đột biến.

Tuy nhiên, nếu chỉ là các tổ chức tín dụng gom vàng để tất toán, liệu giá vàng trong nước và thế giới có chênh lệch đến thế?. Và khi giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch kỉ lục với xu hướng chênh lệch ngày một lớn, thì nó đang phản ánh điều gì?.

TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, việc hạn chế nhập khẩu vàng cho thấy NHNN quyết không tạo sự liên thông giá vàng trong nước và quốc tế. Ông Nghĩa nhận định, đến hết ngày 30/6/2013 tức là thời điểm các TCTD phải tất toán hoàn toàn số dư huy động vốn bằng vàng thì thị trường vàng sẽ tự điều chỉnh giảm, “có thể chỉ tính tiền trăm”.

Thu hẹp đầu mối kinh doanh, thị trường vẫn sẽ sôi động?

Từ ngày 10/1 tới, sẽ chỉ những địa điểm được cấp phép mới có quyền kinh doanh vàng miếng. Như vậy, trong số hơn 8.000 cửa hàng đang kinh doanh vàng miếng hiện nay, chỉ có 14 DN và 17 tổ chức tín dụng, với tổng cộng 2.400 điểm giao dịch trên cả nước được phép giao dịch vàng miếng. Khoảng hơn 5.600 cửa hàng vàng còn lại chỉ còn được phép kinh doanh đồ trang sức.

Việc áp điều kiện kinh doanh vàng miếng được đánh giá là một bước quan trọng nhằm bình ổn thị trường vàng. Với việc áp điều kiện này, khoảng 2/3 số điểm kinh doanh vàng không còn được giao dịch vàng miếng, tức là giới hạn việc đầu cơ, "làm giá" vàng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường vàng, dù chỉ còn nằm trong tay vài chục đơn vị, cũng sẽ không “co” lại, bởi nếu nhu cầu của người dân vẫn dồi dào, các đơn vị được phép kinh doanh sẽ mở thêm điểm giao dịch, lấp đầy các điểm trắng giao dịch hiện đang tồn tại và phủ dầy điểm giao dịch ở vùng có nhu cầu giao dịch cao. Như vậy, thời gian tới, có thể số điểm giao dịch vàng miếng được phép có thể không dừng lại ở khoảng 2.400 điểm như hiện nay.

Trong khi đó, 5.600 cửa hàng không được phép kinh doanh vàng miếng vẫn sẽ tiếp tục kinh doanh vàng trang sức. Thực ra, phong trào giao dịch vàng miếng nổi lên trong chừng chục năm trở lại đây, còn trước đó, trong hàng trăm năm, nhiều thế hệ người Việt vẫn quen cất giữ vàng dưới các hình thức trang sức, như vòng, nhẫn, dây chuyền…

Vì thế, các chuyên gia cho rằng, thị trường vàng vẫn sẽ sôi động đủ đáp ứng nhu cầu, và thời gian tới có thể phát lộ nhiều cách thức mới trên thị trường vàng.

Bách Linh

Đọc thêm