Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua, giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn-chi nhánh Hà Nội niêm yết ở mức 48,90-49,29 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 70.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 390.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý ở mức 49-49,25 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 250.000 đồng/lượng.
Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC chốt phiên giao dịch cuối tuần ở mức 49,05-49,20 triệu đồng/lượng, tăng 80.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 30.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 150.000 đồng/lượng.
Tại thị trường thế giới, chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng niêm yết ở mức 1.771,5 USD/Ounce. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.120), tương đương 49,40 triệu đồng/lượng. Cao hơn giá vàng SJC trong nước 290.000 đồng/lượng.
Nhìn chung, cả tuần qua, giá vàng ghi dấu một tuần tăng giá khá mạnh. Đầu tuần, mở cửa phiên giao dịch ngày 22/6, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.752,6 USD/ounce. Ngay lập tức, giá vàng trong nước cũng lấy đà tăng theo. Theo đó, giá vàng SJC ngày 22/6 đạt mức 48,95 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, bước sang ngày thứ 2 của tuần, mặc cho sức tăng của giá vàng thế giới (1.755,6 USD/Ounce), giá vàng SJC trong nước có xu hướng chững lại và giảm nhẹ. Sau đó vọt tăng trở lại vào thứ 4 – 24/6, giá vàng SJC vượt khỏi ngưỡng 49 triệu đồng/lượng cùng với chiều tăng của giá vàng thế giới (1.771,7 USD/Ounce).
Nhưng sau phiên tăng sốc, vào ngày thứ 5, giá vàng thế giới giảm nhiệt và đi lên nhẹ nhàng vào các phiên cuối tuần. Hiện giá vàng thế giới đang niêm yết ở mức 1.771,5 USD/Ounce.
Đối với thị trường vàng trong nước, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 27/6, giá vàng SJC giao dịch ở mức trên mốc 49 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Giá vàng trong nước tăng liên tiếp trong 4 phiên giao dịch vừa qua, từ mức 48,95 triệu đồng/lượng, đảo chiều giảm 48,92 triệu đồng/lượng rồi liên tiếp tăng đến phiên giao dịch cuối tuần đứng ở mức 49,29 triệu đồng/lượng. Như vậy, trong tuần qua giá vàng SJC tăng thêm khoảng 200.000 đồng/lượng.
Có thể nói, trong tuần qua, xu hướng tăng giá của vàng chiếm phần lớn. Nguyên nhân chính khiến giá vàng thế giới tăng vọt lên trên mốc 1.750 USD/ounce chính là sau khi Mỹ công bố tổng sản phẩm quốc nội GDP suy giảm 5% trong quý I và đồng USD suy yếu trở lại.
Mức suy giảm 5% trong quý I của nền kinh tế Mỹ sát với dự báo trước đó và thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,1% trong quý IV/2019.
Giới đầu tư tìm đến các loại tài sản an toàn sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đưa ra dự báo rằng, cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ đẩy các nền kinh tế vào một đợt suy thoái trầm trọng, ước tính thiệt hại lên tới 12 nghìn tỷ USD.
Sự suy yếu của đồng USD cũng góp phần vào đà tăng của vàng. Bên cạnh đó, Chính phủ và các ngân hàng trung ương trên thế giới đã đưa ra các chương trình kích thích lớn trong nỗ lực giữ cho các nền kinh tế hoạt động cũng đang là yếu tôa hỗ trợ đáng kể cho kim loại quý này.
Tuần tới, giá vàng tăng hay giảm?
Với nỗi lo căng thẳng Mỹ- Trung, làn sóng Covid-19 thứ 2, USD giảm giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt, giá vàng thế giới mặc dù đã chững lại một nhịp vào phiên cuối tuần nhưng sau đó lại tiếp tục trở lại đà tăng.
Theo các nhà phân tích, khi số ca nhiễm Covid-19 đang tăng mạnh, sẽ làm giảm sức tiêu dùng. Điều này cũng sẽ khó làm tăng thêm sự hấp dẫn của vàng.
Theo kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng trong tuần tới từ 29/6- 3/7, có 68% nhận định giá vàng sẽ tăng; 15,5% người nhận định giá vàng sẽ giảm; 16,5% người cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.
Ông Bart Melek, Giám đốc chiến lược của Công ty Chứng khoán TD, cho rằng, giá vàng có thể vẫn tăng tới mức 1.800USD/oz trong ngắn hạn, thậm chí trong tuần tới, nếu các nhà đầu tư không chốt lời cuối quý.