Giá vàng và giá dầu diễn biến trái chiều do lo ngại dịch viêm phổi lạ

Chuyên gia Carlo Alberto De Casa thuộc ActivTrades cho rằng giá vàng đang có cơ hội tăng lên mức cao mới trong 7 năm trong vài tuần tới.
Vàng miếng được bày bán tại một cửa hàng ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Vàng miếng được bày bán tại một cửa hàng ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá vàng thế giới tăng lên gần mức cao nhất 3 tuần qua trong phiên 27/1 do các nhà đầu tìm nơi trú ẩn an toàn bởi lo ngại kinh tế thế giới tăng trưởng thấp khi dịch viêm phổi cấp do virus corona mới bùng phát tại Trung Quốc tiếp tục lan rộng ra các nước khác ở châu Á và trên thế giới.

Theo đó, giá vàng giao ngay đã tăng 0,4% lên mức 1.577,31 USD/ounce và giá vàng Mỹ giao kỳ hạn tăng 0,3% lên 1.577,4 USD/ounce.

Theo truyền thông Trung Quốc, số ca tử vong vì virus corona khởi phát tại thành phố Vũ Hán đã tăng lên 106 người, số ca nhiễm được xác nhận lên 4.000 người trên toàn quốc và dịch bệnh đã lan sang hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ và Pháp.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm 1% vào lúc mở cửa, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua.

Chuyên gia Carlo Alberto De Casa thuộc ActivTrades cho rằng giá vàng đang có cơ hội tăng lên mức cao mới trong 7 năm trong vài tuần tới. Giá vàng đã tăng lên mức cao nhất 7 năm qua là 1.610,90 USD/ounce trong tháng trước sau khi Tướng Iran bị thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ.

Hiện các nhà đầu tư đang ngóng chờ cuộc họp chính sách đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay vào hai ngày 28-29/1, với dự báo Fed sẽ vẫn giữ nguyên lãi tỷ lệ lãi suất hiện hành.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá palladium giao ngay giảm 5,8% xuống 2.287,46 USD/ounce, trong khi giá bạc giao ngay giảm 0,2% xuống 18,05 USD/ounce và giá bạch kim giao ngay hạ 1,8% xuống 983,76 USD/ounce.

Trong phiên giao dịch ngày 27/1, giá dầu thô thế giới giao kỳ hạn giảm 2% xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua khi số ca tử vong do dịch viêm phổi cấp do virus corona mới tại Trung Quốc gia tăng, qua đó làm giảm nhu cầu đi lại và triển vọng nhu cầu năng lượng tăng chậm lại.

Cụ thể, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 1,37 USD (2,3%) xuống 59,32 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 21/10/2019. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,05 USD (1,9%) xuống 53,14 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 2/10/2019.

Các sàn giao dịch chứng khoán toàn cầu, mà giá dầu có xu hướng biến động theo, cũng giảm trong bối cảnh các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về cuộc khủng hoảng bởi dịch viêm phổi cấp do virus corona mới tại Trung Quốc. Trong khi đó, nhu cầu tăng vọt đối với các loại tài sản an toàn, như  đồng yen Nhật Bản và trái phiếu kho bạc.

Theo thông tin mới nhất, số ca tử vong do virus corona đã tăng lên 106 người tại Trung Quốc và Bắc Kinh kéo dài thời gian nghỉ lễ Tết Nguyên đán đến ngày 2/2, nhằm hạn chế sự đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona mới.

Một báo cáo mới đây của RBC Capital Markets cho rằng số lượng thành phố ở Trung Quốc "đóng cửa" cùng với số lượng chuyến bay bị hủy gia tăng là mối đe dọa tại một trong những khu vực tăng trưởng ổn định nhất về nhu cầu dầu mỏ.

Nhiên liệu máy bay chiếm khoảng 15% tăng trưởng nhu cầu năng lượng tại Trung Quốc. Tuy nhiên, RBC lưu ý lo ngại nhu cầu năng lượng giảm hiện chỉ giới hạn tại Trung Quốc.

Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Saudi Arabia thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 27/1 cố gắng giảm bớt tác động xấu từ dịch viêm phổi cấp do virus corona, khi Riyadh cho biết OPEC sẽ có phản ứng với bất kỳ sự thay đổi nào về nhu cầu năng lượng.

OPEC và các đồng minh, gồm có Nga (được gọi OPEC+), đã cắt giảm nguồn cung để hỗ trợ giá dầu mỏ trong gần 3 năm qua, đã nhất trí từ ngày 1/1/2020 cắt giảm thêm 500.000 thùng/ngày, nâng tổng mức cắt giảm lên 1,7 triệu thùng/ngày cho tới tháng 3/2020.

Giá dầu Brent đã giảm gần 20% kể từ khi tăng vọt lên trên 70 USD/thùng sau khi căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran hồi đầu tháng này./.

Đọc thêm