Sáng nay, 4/5, giá dầu trên thế giới đồng loạt giảm mạnh. Cụ thể, giá dầu Brent ở mốc 61,4 USD/thùng, giảm 1,3%, giá dầu WTI ở mốc 58,38 USD/thùng, giảm 1,6%. Tính cả tuần qua, giá dầu Brent giảm hơn 8%, còn giá dầu WTI lao dốc khoảng 7,7%.
Theo Oilprice, giá dầu tuần này liên tục lao dốc bởi lo ngại về nhu cầu toàn cầu suy yếu trong bối cảnh triển vọng nguồn cung tăng mạnh.
Bên cạnh đó, trong hơn một tuần qua, giá xăng trên thị trường Singapore có xu hướng đi xuống, tuy nhiên mức giảm không đáng kể. Cập nhật tới sáng 4/5, giá xăng E5 RON 92 tại thị trường Singapore giảm còn 73,7 USD/thùng, giá xăng RON 95 giảm còn 75,2 USD/thùng.
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 4/5 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 19.238 đồng/lít; Xăng RON 95-III không quá 19.638 đồng/lít; Dầu diesel không quá 17.524 đồng/lít; Dầu hỏa không quá 17.715 đồng/lít; Dầu mazut không quá 16.524 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên sẽ được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá ngày 5/5.
Trước diễn biến của tình hình giá xăng dầu thế giới, giá xăng trong nước được dự báo sẽ giảm nhẹ, khoảng 40 - 70 đồng/lít, tùy loại. Trong khi đó, giá các loại dầu được dự báo giảm mạnh hơn và dao động trong khoảng 140 - 160 đồng/lít, tùy loại.
Liên quan đến giá xăng dầu, Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo lần 6 Nghị định Kinh doanh xăng dầu, trong đó có nhiều thay đổi lớn. Theo đó, nguyên tắc điều chỉnh giá bán xăng dầu đã được Bộ Công Thương điều chỉnh hoàn toàn theo hướng thị trường và Nhà nước chỉ can thiệp theo Luật Giá để ổn định thị trường khi có cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường.
Giá bán xăng dầu được tính bằng công thức: Chi phí tạo nguồn + chi phí kinh doanh + lợi nhuận + thuế giá trị gia tăng. Trong đó, chi phí tạo nguồn, gồm: chi phí tạo nguồn từ nguồn nhập khẩu, chi phí tạo nguồn từ nguồn trong nước, do thương nhân tự xác định theo thực tế kinh doanh, thay vì Bộ Công Thương sẽ áp khung giá như các dự thảo trước.
Tương tự, chi phí kinh doanh là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước thực tế, gồm chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng.
Lợi nhuận sẽ do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu tự xác định theo thực tế kinh doanh. Còn thuế giá trị gia tăng sẽ thực hiện theo quy định pháp luật về thuế.
Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối sẽ được tự tính toán và công bố giá bán buôn, giá bán lẻ xăng dầu trong và ngoài hệ thống của mình, sau đó thông báo về Bộ Công Thương, UBND cấp tỉnh, Sở Công Thương và Chi cục Quản lý thị trường nơi thương nhân có hệ thống phân phối.