Giá xăng dầu sẽ bám sát thị trường hơn?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sau rất nhiều lần dự thảo, điều chỉnh, lấy ý kiến, Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu đã được ban hành với nhiều điểm mới.
Thị trường xăng dầu sẽ có nhiều thay đổi từ năm 2022.
Thị trường xăng dầu sẽ có nhiều thay đổi từ năm 2022.

Nhiều thay đổi về điều hành giá xăng dầu

Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu đã được ban hành với rất nhiều điểm mới về điều hành xăng dầu. Một trong những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 95 là quy định thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng, thay vì điều chỉnh theo chu kỳ 15 ngày như trước đây.

Riêng đối với các kỳ điều hành trùng với ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo, sau ngày nghỉ, ngày lễ đó. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành cũng sẽ được lùi sang kỳ tiếp theo. Trong khi đó, với Nghị định 83, cứ đúng chu kỳ 15 ngày, cơ quan Liên Bộ Công Thương – Tài chính vẫn phải công bố giá điều chỉnh mới, bất kể đó là ngày Tết Dương lịch hay dịp Tết Nguyên đán.

Điểm mới đang chú ý thứ hai là Nghị định 95 cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu được ngừng bán hàng mà không cần phải được Sở Công Thương chấp nhận trong trường hợp lý do bất khả kháng như: Cháy nổ, lũ lụt hoặc đã nỗ lực áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng không thể duy trì việc bán hàng. Nghị định 83 trước đây yêu cầu cửa hàng bán lẻ xăng, dầu ngừng bán hàng phải được Sở Công Thương chấp nhận trong mọi trường hợp.

Đáng chú ý nhất, giá cơ sở xăng dầu sẽ được tính theo công thức mới. Theo đó, từ ngày 2/1/2022 (ngày Nghị định 95 có hiệu lực), giá cơ sở xăng dầu sẽ bao gồm cả giá xăng dầu trong nước (trước đây chỉ dùng giá thành phẩm xăng dầu thế giới) và sẽ căn cứ vào tỷ trọng dầu trong nước và dầu nhập khẩu trong từng chu kỳ điều chỉnh để tính toán giá cơ sở.

Ngoài ra, Nghị định cũng tăng tỷ lệ tăng giá xăng dầu khi phải báo cáo Thủ tướng. Cụ thể, Nghị định 95 quy định, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 10% (trước đấy quy định tăng trên 7%) so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về biện pháp điều hành cụ thể.

Ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đánh giá, những thay đổi về điều hành giá xăng dầu này sẽ làm cho thị trường xăng dầu Việt Nam phản ánh sát diễn tiến thị trường hơn. Trong đó việc bổ sung giá xăng dầu trong nước làm cơ sở tính giá xăng dầu thật sự cần thiết bởi hiện nay, tỷ trọng xăng dầu trong nước trên thị trường nội địa chiếm đến 70 - 80% tùy từng giai đoạn. Do đó, đưa giá xăng dầu trong nước vào để tính giá cơ sở sẽ khiến cho thị trường theo kịp diễn tiến tình hình sản xuất kinh doanh xăng dầu.

Chuyển nhượng cổ phần phải xin phép Thủ tướng

Trước đây, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 83 đã từng quy định “cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước nếu có hoạt động sản xuất có thể chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%”. Theo Bộ Công Thương, quy định này mới đưa vào Nghị định nhưng thực tế đã được thực hiện nhiều năm nay đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có vốn nhà nước như Petrolimex (đã bán cho nhà đầu tư nước ngoài 20%), PVOil (35%), BSR (49%),... thông qua quá trình cổ phần hóa, huy động vốn đầu tư và đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương trước khi thực hiện.

Tuy nhiên, khi Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, có 24/25 ý kiến thống nhất thông qua. Có 1 ý kiến đề nghị chỉnh lý (không đồng ý với nội dung cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%).

Và Điều 5a Nghị định 95 đã quy định, ngoài các thương nhân kinh doanh xăng dầu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt góp vốn hoặc chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, các thương nhân kinh doanh xăng dầu khác nếu có nhu cầu chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài thì phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Nghị định 95 cũng có quy định cụ thể hơn về Quỹ bình ổn giá. Theo đó, phần lãi phát sinh trên tài khoản số dư Quỹ sẽ được hạch toán vào Quỹ. Trong trường hợp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu vay vốn ngân hàng để bù đắp cho phần chi sử dụng vượt Quỹ, sẽ được tính lãi suất theo mức lãi suất thỏa thuận thấp nhất tại ngân hàng nơi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu vay vốn. Trong trường hợp thương nhân đầu mối bị giải thể hoặc phá sản, nếu Quỹ dương, toàn bộ số Quỹ sẽ được chuyển vào ngân sách nhà nước.

Một điểm được cho là khá “nới” của Nghị định 95 chính là bãi bỏ toàn bộ các quy định liên quan đến yêu cầu “chỉ được thuê kho, phương tiện vận tải xăng dầu của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu” tại Nghị định 83. Theo đại diện một vài doanh nghiệp, quy định mới này sẽ giúp các doanh nghiệp tìm kiếm các kho, phương tiện vận tải dễ dàng hơn.

Đọc thêm