Giá xăng giảm 120 đồng/lít từ 15h chiều nay - 01/3

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ 15h00 chiều nay - 01/3, mỗi lít xăng E5 RON 92 và xăng RON 95 giảm 120 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 550 đồng/lít,dầu hỏa giảm 370 đồng/lít...
Giá xăng đồng loạt giảm từ 15h chiều nay 01/3.
Giá xăng đồng loạt giảm từ 15h chiều nay 01/3.

Liên bộ Công thương - Tài chính vừa phát thông tin về việc điều chỉnh giá xăng dầu. Trong kỳ điều chỉnh lần này, Liên Bộ quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ.

Theo đó, tại đợt điều chỉnh này, xăng E5 RON 92 giảm 120 đồng/lít, xuống 22.420 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 120 đồng/lít, xuống 23.320 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 550 đồng/lít còn 20.250 đồng/lít; dầu hỏa giảm 370 đồng/lít xuống còn 20.470 đồng/lít; dầu mazut tăng 300 đồng/lít lên mức 14.550 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành này, liên bộ không trích lập và không chi quỹ bình ổn giá với xăng E5 RON 92, nhưng trích lập 200 đồng mỗi lít với xăng RON 95, trích lập 500 đồng/lít với dầu diesel.

Như vậy, giá xăng dầu đã có lần thứ 2 liên tiếp giảm. Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã trải qua 7 lần điều chỉnh giá, trong đó có 4 lần tăng, 2 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.

Trước đó, sáng ngày 28/2, Ủy ban Kinh tế - Quốc hội khóa IV tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu. Bộ Công Thương và Bộ Tài chính là 2 cơ quan giải trình về các vấn đề liên quan.

Trước hiện tượng một số đơn vị kinh doanh xăng dầu ở một số địa phương có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm để trục lợi, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết đã thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra.

Từ năm 2022, lực lượng quản lý thị trường đã giám sát trên 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước và thanh tra, kiểm tra trên 2.700 vụ, xử lý trên 600 vụ với số tiền xử phạt khoảng 20 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong các quy định hiện hành: Doanh nghiệp sản xuất được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù nhưng không có cam kết về mức sản lượng tối thiểu; xăng dầu dự trữ quốc gia chưa được bảo quản riêng; phương pháp tính giá có nhiều hạn chế; việc áp đặt định mức chi phí, lợi nhuận cho tất cả doanh nghiệp dẫn đến triệt tiêu động lực cạnh tranh...

Theo một số ý kiến, việc thực hiện bình ổn giá không đạt mục tiêu đề ra, chưa công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá; điều kiện kinh doanh xăng dầu chưa phù hợp, chưa có sự ràng buộc về mức cung ứng tối thiểu ra thị trường; quản lý nhà nước về xăng dầu giao thoa nhiệm vụ giữa nhiều bộ, một số ý kiến đề nghị cân nhắc trong lĩnh vực này giao Bộ Công Thương quản lý để bảo đảm chủ động, linh hoạt trong công tác điều hành.

Giải trình tại hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, để có thể nâng lên mức dự trữ nhập ròng 30 ngày cần 4.100 tỷ/năm. Nhưng theo báo cáo của Bộ Tài chính, mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách. Tuy nhiên, ngân sách mới bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành dự trữ quốc gia.

Để từng bước giải quyết khó khăn trên, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã tổ chức họp, rà soát và thống nhất tiếp tục báo cáo Thủ tướng xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo khả năng cân đối của ngân sách hàng năm và phù hợp với khả năng cho thuê kho dự trữ bảo quản của các doanh nghiệp.