Giá xăng trong nước có thể 'hạ nhiệt' vào ngày mai?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ghi nhận vào 7h30 sáng nay - 30/6 (giờ Việt Nam), giá dầu thô thế giới quay đầu giảm. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước được dự báo có thể sẽ hạ nhiệt sau 7 lần tăng liên tiếp. Mức giảm phụ thuộc vào việc điều hành quỹ.
Giá xăng dầu hôm nay -30/6 (Ảnh minh họa).
Giá xăng dầu hôm nay -30/6 (Ảnh minh họa).

Giá xăng dầu thế giới

Dữ liệu từ oilprice cho thấy, lúc 7h30 ngày 30/6 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 109,5 USD/thùng, giảm 0,29 USD/thùng, tương đương giảm 0,26%; giá dầu thô Brent giao ở mức 116,0 USD/thùng, giảm 0,25 USD/thùng, tương đương giảm 0,22%.

Giá dầu thô giảm do dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng và lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm trên toàn thế giới đã chiếm ưu thế so với những lo ngại liên tục về nguồn cung dầu thô đang ngày một thắt chặt.

Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm trong tuần trước ngay cả khi sản lượng đạt mức cao nhất kể từ tháng 4-2020; dự trữ nhiên liệu tăng khi các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động, hoạt động với 95% công suất, đạt mức cao nhất vào thời điểm này trong năm trong vòng 4 năm qua.

John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC ở New York cho biết, báo cáo của EIA đã tạo ra một tác động xấu cho thị trường. Dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất tăng đã giảm nhẹ áp lực lên giá và sản lượng của Mỹ tăng cũng dẫn đến sự sụt giảm giá.

Sự gia tăng bất ngờ về dự trữ khiến giá xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ giảm lần lượt khoảng 3% và 4%.

Các thương nhân cho biết giá dầu thô kỳ hạn giảm cũng kéo theo giá nhiên liệu giảm.

Giá dầu Brent và WTI đã tăng khoảng 7% trong ba phiên trước đó do lo ngại về nguồn cung thắt chặt, một phần bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

JP Morgan cho biết gần 1/5 công suất sản xuất dầu thế giới hiện nay (dầu của Iran, Venezuela và Nga) đang phải gánh chịu các hình thức trừng phạt khác nhau nên “chúng tôi tin rằng không có cách nào thực tế để giữ những thùng dầu này” đặc biệt là trong một thị trường vốn đã thắt chặt.

Nhưng các nhà đầu tư cũng lo ngại rằng các nền kinh tế tăng trưởng chậm lại có thể làm giảm nhu cầu năng lượng khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết Fed sẽ không để nền kinh tế rơi vào chế độ lạm phát cao hơn ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc tăng lãi suất lên mức gây rủi ro cho tăng trưởng.

Trong khi đó, Ben van Beurden, Giám đốc điều hành của Shell PLC (SHEL.L) nhận xét sự bất ổn trên thị trường dầu khí toàn cầu có thể vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới do công suất dự phòng rất thấp trong bối cảnh nhu cầu vẫn đang phục hồi.

Về phía nguồn cầu, hai nhà sản xuất dầu lớn là Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) được cho là khai thác dầu ở mức gần hoặc rất gần với giới hạn công suất của mình. Chính vì vậy, các nhà phân tích lo ngại rằng cả Ả Rập Xê-út và UAE đều không có đủ năng lực dự phòng để bù đắp cho nguồn cung bị mất của Nga. Thêm vào đó, các nhà phân tích cũng cảnh báo bất ổn chính trị ở Ecuador và Libya có thể thắt chặt nguồn cung hơn nữa.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 30/6 cụ thể như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 31.302 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 32.873 đồng/lít; Dầu diesel không cao hơn 30.019 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 28.785 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 20.735 đồng/kg.

Ngày 1/7 tới là chu kỳ điều hành của giá xăng dầu. Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng bình quân trên thị trường Singapore đến ngày 24.6 (so với thời điểm ngày 21/6) giảm, với RON 92 giá là 146,82 USD một thùng, còn RON 95 là 153.4 USD mỗi thùng, dầu DO là 171,77 USD mỗi thùng.

Theo các chuyên gia, giá xăng nhập cũng dao động theo giá dầu thô toàn cầu. Vừa qua, giá dầu đã giảm nhiệt, không còn trên mức 120 USD/thùng mà thường dao động ở mức 105-111 USD/thùng.

Nguyên nhân, người dân các nước giảm tiêu thụ xăng dầu do giá quá cao. Việc tăng lãi suất ở các nền kinh tế chủ chốt đã gia tăng sức mạnh đồng USD và làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu đã khiến giá dầu hạ nhiệt.

Vì vậy nhiều khả năng tại kỳ điều hành giá chiều mai 1/7 của liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, mức giảm cũng sẽ khá khiêm tốn.

Nếu đúng như dự báo thì đây sẽ là lần giảm đầu tiên sau 7 lần tăng giá liên tiếp của mặt hàng xăng trong nước.

Theo Bộ Tài chính, thuế trong giá xăng E5RON92 chiếm tỉ trọng khoảng 23,4%, trong xăng RON95 khoảng 24,1% và trong dầu diesel khoảng 12,7% (với mức thuế BVMT đang được giảm 50%).

Để góp phần giảm giá xăng dầu, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục điều chỉnh mức thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đề xuất giảm thuế BVMT với mức 1.000 đồng/lít cho mặt hàng xăng là hợp lý. Việc cắt giảm thuế BVMT thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên có thể thực hiện được ngay trong tháng 7/2022.