'Giấc mơ Chí Phèo' - đậm màu sắc nhạc kịch Việt

(PLVN) - "Giấc mơ Chí Phèo” là vở nhạc kịch mang đậm màu sắc nhạc kịch theo phong cách hiện đại (broadway) quốc tế. Lần đầu tiên một vở kịch broadway cảm tác từ văn học nước nhà được vang lên làm thỏa mãn những khao khát của người Việt về giấc mơ broadway “musical made in Vietnam".
Chất liệu văn học Việt Nam đi vào các tác phẩm sáng tạo. (Ảnh trong vở kịch Giấc mơ Chí Phèo)

Chiều 2/12/2024, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo ra mắt vở nhạc kịch broadway đầu tiên của Việt Nam mang tên “Giấc mơ Chí Phèo” được cảm tác từ truyện ngắn của nhà văn Nam Cao.

Nhạc kịch "Giấc mơ Chí Phèo" là dự án tâm huyết được thực hiện sau nhiều năm ấp ủ, bởi những quái kiệt: nhạc sĩ, nhà sản xuất Dương Cầm, nhà biên kịch Đinh Tiến Dũng và đạo diễn, NSƯT Phùng Tiến Minh và chỉ đạo nghệ thuật NSND Huỳnh Tấn Minh.

Nhạc sĩ Dương Cầm, Nhà biên kịch Đinh Tiến Dũng, NSND Tấn Minh và giọng ca Hoàng Thái Phương tại buổi họp báo ra mắt vở nhạc kịch "Giấc mơ Chí Phèo". (Ảnh: Thùy Dương)

Nhà biên kịch Đinh Tiến Dũng bày tỏ: “Chuyển soạn một tác phẩm kinh điển của nhà văn Nam Cao có rất nhiều sự thuận lợi bởi tính cách nhân vật và cốt truyện đã rất rõ ràng. Câu chuyện của Chí Phèo rất ý nghĩa ở chỗ nó tôn vinh tình yêu và giá trị nhân bản của con người: nhờ có tình yêu mà một con quỷ cũng trở thành con người, nhờ tình yêu một cô gái ngớ ngẩn cũng có thể trở thành một con người. Việc chúng tôi cứ nhắc đi nhắc lại trong vở diễn “Chúng ta muốn làm người bình thường” thực ra đôi khi làm người bình thường đã là một điều rất khó đối với nhiều người".

“Giấc mơ Chí Phèo” do các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long thực hiện. Với tinh thần trẻ trung, tươi mới, những bài hát/trích đoạn được các nghệ sĩ thể hiện chất lượng cùng khả năng trình diễn gây nhiều bất ngờ, có tính đột phá. Đó là sự góp mặt của giọng ca nội lực, tình cảm như Đông Hùng (vai Chí Phèo) hay sự phát hiện mới mẻ giọng ca Hoàng Thái Phương (con gái của nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền) trong vai Thị Nở.

Theo nhà sản xuất Dương Cầm, chất liệu văn học Việt Nam đi vào các tác phẩm sáng tạo khác như âm nhạc, điện ảnh, hội hoạ từ trước đến nay không còn là điều xa lạ. Việc kể chuyện văn học Việt bằng ngôn ngữ sân khấu phương Tây ở Việt Nam cũng không còn là hy hữu.

Nhưng với loại hình nhạc kịch thì quả thực văn học là một “mỏ vàng" màu mỡ. Trên thế giới các vở nhạc kịch nổi tiếng được cảm tác và chuyển soạn từ các tác phẩm văn học kinh điển đều được đón nhận và có những ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng khán giả. Có thể kể đến những tác phẩm như : Những người khốn khổ (Les Misérables) của văn hào Victor Hugo và vở nhạc kịch broadway cùng tên, Dreamgrils, Nữ bá tước Mariza ( Grafin Mariza), …

Nói về lý do thực hiện vở nhạc kịch “Giấc mơ Chí Phèo", nhà sản xuất Dương Cầm cho hay: “Giữa rất nhiều “món ăn” nghệ thuật và giải trí, tôi cho rằng nhạc kịch đang là xu hướng thưởng thức của khán giả. Từ trước đến nay, chúng ta làm nhạc kịch, tuy nhiên ở góc độ của một người làm âm nhạc tôi cho rằng những vở nhạc kịch ấy vẫn chưa đạt được yếu tố “chuẩn broadway". Từ nhu cầu thực tế và mong muốn khán giả đại chúng Việt Nam được thưởng thức nhạc kịch của người Việt theo chuẩn nhạc kịch chuẩn quốc tế. Chúng tôi nỗ lực biến “Giấc mơ Chí Phèo" trở thành thương hiệu musical made in Vietnam".

NSND Tấn Minh kỳ vọng rằng “Giấc mơ Chí Phèo” sẽ là một sự khẳng định của thương hiệu nhạc kịch "made in Vietnam" không chỉ với khán giả trong nước mà còn "rộng cánh vươn xa" về giấc mơ nhạc kịch Việt Nam vươn ra thế giới. Được biết, vở nhạc kịch "Giấc mơ Chí Phèo" của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long vừa được trao giải xuất sắc tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024.

Dự kiến, vở nhạc kịch sẽ chính thức được công diễn vào lúc 20 giờ ngày 23/12/2024 tại Nhà hát Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).

Đọc thêm