An cư vùng đất mới
Trong tiết trời se lạnh của mùa đông, chúng tôi tìm về khu tái định cư (TĐC) Hương Sơ (phường Hương Sơ, TP Huế) dành cho cư dân Thượng thành Huế, hình hài các dãy nhà được xây dựng kiên cố, thẳng tắp hiện ra trước mắt với những tuyến đường được quy hoạch bài bản, ngăn nắp, có hệ thống điện, đường, trường, trạm, công viên, trường học...
Là một trong những hộ đầu tiên di dời khỏi Thượng thành (nằm trong quần thể di tích Kinh thành Huế được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 1993), gia đình ông Trần Mau (SN 1958) như được bước sang trang mới. Đến giờ, khi đã yên ấm tại nơi ở mới, ông Mau vẫn không thể nào quên những tháng ngày sống vạ vật, tạm bợ tưởng chừng không có hồi kết.
Nhớ lại những năm tháng ấy, ông Mau cho biết, từ năm 1988 đến năm 2020, gia đình ông sinh sống trong ngôi nhà chật hẹp ở đường Xuân 68 (khu vực Thượng thành). Hơn 32 năm “nương nhờ, ở đậu” trên đất di tích, lúc nào cũng cảm thấy lo lắng, bồn chồn vì mảnh đất không có tên mình. Khi hay tin chính quyền có chủ trương hỗ trợ di dân Thượng thành, gia đình ông Mau không chút do dự mà tiên phong hưởng ứng “cuộc di dân lịch sử” này. Năm 2020, gia đình ông Mau được cấp lô đất 61m2 và hỗ trợ tiền xây nhà ở khu E (lô 1) khu TĐC Hương Sơ.
“Trước đây tôi làm nghề chạy xe ôm, còn vợ tôi buôn bán tạp hóa nhỏ lẻ ở nơi ở cũ. Khi đến sinh sống ở khu TĐC Hương Sơ, gia đình tôi mở cửa hàng tạp hóa lớn hơn để bán cho bà con trong khu. Ở đây dù việc làm ăn vẫn còn khó khăn, song tôi thấy tốt hơn nhiều so với nơi cũ vì có nhà cửa kiên cố, đường sá rộng rãi, an ninh được bảo đảm, các cháu nhỏ có chỗ vui chơi” - ông Mau chia sẻ.
|
Khu tái định cư Hương Sơ với những ngôi nhà khang trang, các tuyến đường được quy hoạch rộng rãi thuận tiện cho người dân đi lại. (Ảnh: PV) |
Từ những ngôi nhà chật chội, ẩm thấp và gắn bó với đôi quang gánh bên gánh hàng rong, quán nước hay những cửa hàng nhỏ, hẹp, giờ đây nhiều hộ - cựu dân Thượng thành - đã chuyển hướng đầu tư, kinh doanh các mặt hàng có giá trị lớn hơn, như: vật liệu xây dựng, tạp hóa, nông sản sạch…, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và sự sôi động, sầm uất cho vùng đất mới.
Chị Lê Thị Ánh Vân cho biết, lúc trước, nhà chị ở đường Xuân 68. Từ khi được chuyển ra đây, với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, chị đã có được căn nhà mới khang trang, rộng rãi, con cái có điều kiện học tập tốt hơn. Ngoài ra, chị còn mở một quầy tạp hóa để kinh doanh, từ đó cuộc sống được cải thiện lên rất nhiều.
Đồng hành cùng “cuộc di dân lịch sử” với cư dân Thượng thành, Chủ tịch UBND phường Hương Sơ, TP Huế, ông Lê Kim Nam cho biết, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ người dân khi ra khu vực tái định cư thuộc địa phận của địa phương quản lý. Dù điều kiện sống và trình độ dân trí, việc làm khác nhau, song khi trở thành cư dân Hương Sơ, ai nấy đều tuân thủ các quy định của Nhà nước, của địa phương. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội đều bảo đảm, tạo nên một khu phố mới văn minh, thân thiện và giàu bản sắc.
Sức mạnh của sự đồng thuận
Trước đây, mỗi lần đến khu vực 1 Di tích Kinh thành Huế, chúng tôi lại chứng kiến sự mòn mỏi chờ đợi của bao thế hệ người dân về nơi ăn, chốn ở. Nhiều gia đình sinh sống ở đây 2 - 3 thế hệ, mưu sinh đủ nghề, rồi sinh con đẻ cái, khiến Thượng thành Huế nhếch nhác, trong khi cuộc sống người dân đa phần đều khó khăn. Thế rồi, kể từ khi dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Di tích Kinh thành Huế được triển khai, đến nay sau gần 4 năm (2019 - 2023) đã có hơn 2.000 hộ dân đã chuyển về sinh sống ổn định ở khu tái định cư. Trên những mảnh đất phân lô 60 - 100m2 cùng số tiền đền bù, người dân đã xây dựng nhà cửa khang trang, có nhiều nhà hai, ba tầng.
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế Nguyễn Anh Tuấn thông tin, để thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng, tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng kế hoạch cụ thể và được Chính phủ phê duyệt một chính sách đặc biệt. Khung chính sách kèm nhiều chế độ ưu đãi có lợi cho các hộ diện di dời, như: hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ các đối tượng chính sách, hỗ trợ di chuyển chỗ ở và bàn giao mặt bằng đúng tiến độ...
|
|
Công viên, trường học được xây dựng để phục vụ người dân. (Ảnh: PV) |
“Đây là bước đột phá giúp địa phương giải quyết “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách kéo dài nhiều năm qua. Giờ đây, những xóm nhỏ cheo leo, nép mình bên những mảnh tường thuộc di tích Kinh thành Huế đã là ký ức. Một cuộc sống tươi mới hơn đang hiện hữu tại khu TĐC Hương Sơ của những gia đình trả lại đất cho di sản Huế”, ông Tuấn cho biết.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, nhờ sự đồng lòng của người dân với chính quyền, việc giải tỏa, di dời dân cư khu vực 1 Kinh Thành Huế giai đoạn 1 đã đạt kết quả khả quan, nhất là trả lại nguyên vẹn giá trị khu di sản. Đây cũng là cơ sở kế thừa để thực hiện thành công giai đoạn 2. Hành trình này sẽ là bước tiến quan trọng, cột mốc lịch sử trong định hướng phát triển Thừa Thiên Huế trở thành đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và thông minh” đang được các cấp chính quyền và người dân Cố đô Huế nỗ lực hiện thực hóa.
Song song với việc thực hiện dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Di tích Kinh thành Huế, công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các yếu tố gốc của di tích trên cơ sở hồ sơ, tư liệu lịch sử đang được địa phương gấp rút triển khai. Qua đó, góp phần vào quá trình hồi sinh diện mạo bề thế của quần thể Di tích Cố đô Huế.
Đầu năm 2023, tuyến đường đi bộ trên Thượng thành đã được chỉnh trang, nối thông khiến nhiều người dân và du khách thích thú tìm đến, trải nghiệm hoạt động đi dạo và ngắm cảnh đầy mới lạ, ngắm Huế từ trên cao. Tuyến đi bộ trên bờ tường Kinh thành Huế bắt đầu từ eo bầu Nam Xương (phía trong cửa Thể Nhơn, còn gọi là cửa Ngăn) sang eo bầu Nam Thắng (phía trong cửa Quảng Đức, còn gọi là cửa Sập). Để có được tuyến đi bộ là nhờ cuộc “di dân lịch sử” của hơn 4.000 hộ dân, đến nơi tái định cư - trả lại không gian xưa cho Di tích Kinh thành Huế.
Theo ông Phan Thiên Định - Bí thư Thành ủy TP Huế, có lẽ, từ xưa đến nay, không mấy người, kể cả những người sinh ra và lớn lên tại Huế, đang sống ở Huế có dịp đến khu vực này. Trên Facebook cá nhân, ông viết: “Chạm tay vào tường thành vẫn còn nhiều đoạn có viên gạch vỡ bởi đạn bom, ngắm những khẩu súng thần công phủ mờ dấu thời gian, trong làn gió nhẹ buổi sớm mai. Rồi nhìn mây trôi qua đỉnh cột cờ mới cảm nhận một thành phố bình yên đến lạ và trong lòng cũng thấy... rất lạ”.