'Giấc mơ Trịnh' sẽ chỉ có âm thanh 'mộc'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại "Giấc mơ Trịnh" khán giả sẽ được nghe những thanh âm "mộc" vang lên từ ngón tay của người nghệ sỹ, từ hơi thở của người ca sỹ, không có thiết bị điện tử. Mọi thứ sẽ bắt đầu từ rung cảm của người nghệ sỹ. Đúng như cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã mơ giấc mơ âm nhạc từ trái tim đến được với trái tim.
"Giấc mơ Trịnh" sẽ bắt đầu từ rung cảm của người nghệ sĩ. Ảnh: Lương Duy Tiến
"Giấc mơ Trịnh" sẽ bắt đầu từ rung cảm của người nghệ sĩ. Ảnh: Lương Duy Tiến

“Giấc mơ Trịnh” là đêm nhạc tưởng nhớ 22 năm nhạc sỹ Trịnh Công Sơn rời "cõi tạm", kỷ niệm 15 năm phòng trà Trịnh Ca sẽ diễn ra vào ngày 1/4/2023 tại “Thánh đường nghệ thuật” - Nhà hát Lớn Hà Nội.

Trịnh Ca đóng góp cho âm nhạc Hà Nội theo một cách rất riêng. Những tụ điểm biểu diễn khác thường hào nhoáng ồn ào, thỉnh thoảng có sự xuất hiện của các ngôi sao. Còn Trịnh Ca là một chốn giản dị nép mình trong con ngõ nhỏ, không có những ca sỹ ngôi sao, chỉ có những người nghệ sỹ yêu âm nhạc. Họ đam mê, gắn bó với Trịnh Ca như MC Kim Nguyên Bảo, tác giả kịch bản “Giấc mơ Trịnh”, giọng ca Diệu Thúy, Bích Ngọc, Lê Tâm, Mai Loan, Thanh Hương, Hoàng Trang, Trịnh Trí Anh…

Trong "Giấc mơ Trịnh", mỗi nghệ sĩ sẽ tìm thấy giấc mơ của mình theo cách riêng. (Ảnh: Lương Duy Tiến)

Trong "Giấc mơ Trịnh", mỗi nghệ sĩ sẽ tìm thấy giấc mơ của mình theo cách riêng. (Ảnh: Lương Duy Tiến)

Trong đêm nhạc “Giấc mơ Trịnh” không có những bản nhạc xa lạ, vẫn là Diễm xưa, Hạ trắng, Dấu chân địa đàng… Điều khác biệt, “Giấc mơ Trịnh” không đi sâu vào tiểu sử của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay tiểu sử bài hát ra đời như thế nào, mà sẽ khám phá xem bài hát đó ảnh hưởng như thế nào đến cá nhân người nghệ sỹ biểu diễn.

“Mỗi người sẽ có một góc nhìn khác nhau. Các bài hát sẽ nối tiếp nhau nói lên giấc mơ, suy nghĩ của từng người, bằng những lời ca, những tuyệt phẩm. Thông điệp của chương trình là hãy yêu thương nhau, cùng nhau giúp nhau xây dựng ước mơ, khát vọng của mình. Mỗi người sẽ tìm thấy mình trong đó” - Tổng đạo diễn chương trình “Giấc mơ Trịnh” nhạc sỹ Nguyễn Quang - con trai của cố nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 chia sẻ.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang sẽ giúp các nghệ sĩ kể những giấc mơ của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn về một thế gian chan chứa tình người. (Ảnh: Lương Duy Tiến) Nhạc sĩ Nguyễn Quang sẽ giúp các nghệ sĩ kể những giấc mơ của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn về một thế gian chan chứa tình người. (Ảnh: Lương Duy Tiến)

Nghệ sỹ guitar Đạo Nguyễn phụ trách phần hòa âm phối khí cho hay, khán giả sẽ nghe những thanh âm vang lên từ ngón tay của người nghệ sỹ, từ hơi thở của người ca sỹ, không có thiết bị điện tử nào. Mọi thứ sẽ bắt đầu từ rung cảm của người nghệ sỹ, cũng như cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã mơ giấc mơ rằng âm nhạc từ trái tim đến được với trái tim.

Ca sĩ Ngọc Châm khẳng định “Giấc mơ Trịnh” tôn vinh các giá trị nghệ thuật, tôn vinh những người sáng tạo ra nghệ thuật thực sự. Đó chính là lý do mà đêm nhạc không ngôi sao, không chiêu trò hay những hiệu ứng hào nhoáng thời thượng chỉ có âm nhạc là yếu tố duy nhất gắn kết những tâm hồn đồng điệu.

Các nghệ sĩ cùng chung đam mê nhạc Trịnh. (Ảnh: Lương Duy Tiến)

Các nghệ sĩ cùng chung đam mê nhạc Trịnh. (Ảnh: Lương Duy Tiến)

Ca sỹ Lê Tâm gợi mở, những nghệ sỹ, khán giả quen thuộc của Trịnh Ca sẽ tìm đến đêm nhạc như sự hành hương về với cõi Trịnh. Điều kết nối người nghe và ca sỹ chính là sự đồng cảm trong những tư tưởng, triết lý đó. Có người nói rằng nhạc Trịnh càng nghe càng thấm, càng hiểu thì càng yêu. Có những câu hát hôm nay nghe, ngày mai nghe nhưng có khi nhiều năm sau mới hiểu và thấm thía.