Phố có luật, phố có làn đường nhưng những điều này trở nên vô nghĩa khi vì người người bám phố kiếm tiền cứ túa ra khi tan sở, tan tầm. Nhân văn theo đó nhạt đi, tình người theo đó mai một và ý thức cũng nhanh chóng bị lãng quên đâu đó trong bộ não chỉ đầy toan tính cho cá nhân mình.
Bất hạnh và nước mắt uất ức của nhiều người túa ra trong bất lực cũng vì những con phố như nêm người ấy, nhất là khi những ai đã qua cám cảnh đưa người nhà đi cấp cứu. Nhà tôi cũng vậy, bạn bè tôi cũng vậy và đã có người bỏ mạng mà nhẽ ra sẽ sống khi đến viện kịp thời. Cầm trên tay cái giấy xác nhận “tử vong ngoại viện”, không ít người xa xót mà oán thán đám đông nhốn nháo dù còi xe cấp cứu xé toạc phố phường nhưng đám đông không thể dãn ra vì ai cũng bị bao vây trong vô luật và hỗn tạp.
Một cậu bạn bị chấn thương sọ não, vận chuyển từ quê lên, đến Hà Nội thì tắc đường. Tới được Khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức, bác sỹ lắc đầu, giá mà đến sớm hơn được vài chục phút. Một cô hàng xóm tai biến lần 2, cũng chết trên xe vì tắc đường không thể nào đến được bệnh viện, vì cô trót “chọn giờ” ngã bệnh lúc… tan tầm!
Mình đã từng sống ở Tây, ở đó chỉ cần một tiếng còi xe ưu tiên như xe cảnh sát hay xe cấp cứu thì dân tình đã vội vàng nép vào vỉa hè. Nhường đường cho xe cấp cứu dường như đã thành một phản xạ… vô điều kiện. Phản xạ ấy có được từ giáo dục và văn hóa để ý thức công cộng trở thành một lối sống văn minh mà ở đấy sẽ không có người bị chết chỉ vì…tắc đường.
Ở xứ mình, nhất là những thành phố chật chội người, chật chội xe cộ, tình người cũng trở nên chật chội. Từ đó ý thức công cộng thành ra tù túng và có gì đó gần như xa xỉ. Ai cũng bon chen đi về phía trước… vì mình. Còn luật, còn xe cấp cứu cứ kệ, “sống chết mặc bay” việc mình phải tiến lên phía trước bằng mọi giá là… số 1.
Luật Giao thông đường bộ quy định người tham gia giao thông phải nhường đường cho xe ưu tiên. Xe cấp cứu được đi cả vào đường ngược chiều, được vượt đèn đỏ… nhưng không thể vượt được đám đông nhốn nháo vô luật. Và những nỗi đau, những cái chết không đáng có đang hiện hữu rất nhiều, nỗi đau mang tên vô lý!
Nhiều người sống ở thành thị có một mơ ước viển vông, mơ ước không bao giờ trở thành sự thật: Giá mà có đường riêng cho xe cấp cứu! Viển vông lắm chứ, các nước tiên tiến còn chả có loại đường này huống hồ Việt Nam. Khổ nỗi luật và văn hóa giao thông chừng nào còn “bựa” như hiện tại thì còn ối người chết trên xe cấp cứu vì không qua được ải… tắc đường. Chừng nào dân còn chết kiểu này thì dân còn mơ ước một con đường đến bệnh viện khẩn cấp không ai cản trở. Thây kệ, mơ ước mà, có ai đánh thuế ước mơ đâu mà không… mơ ước!