Những mặt hàng có truyền thống giải cứu như dưa hấu mỗi năm xuất hiện vài lần. Những mặt hàng cần giải cứu như củ cải, su hào, hành tím… dù chỉ lác đác xuất hiện nhưng đều làm tốn kém, lãng phí nguồn lực xã hội… và gây nên lo lắng cho những người tâm huyết với sản xuất nông sản.
Nếu tiếp tục giải cứu, người nông dân sẽ… ỷ lại?
Đủ các loại mặt hàng cần giải cứu, từ thanh long, hành tím đến dưa hấu, thịt lợn… Thậm chí, cơ quan nhà nước lớn nhất về thương mại - Bộ Công Thương cũng đã từng phải mua đến 14 tấn dưa hấu từ cửa khẩu Lạng Sơn quay về Hà Nội “bán hộ” chỉ vì sản phẩm không qua được cửa khẩu để vào thị trường Trung Quốc. Nhưng sẽ còn phải giải cứu bao nhiêu mặt hàng, bao nhiêu mùa vụ nữa?
Ông Đào Minh Hường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Ngãi cho biết, sau một “mùa giải cứu” dưa dấu năm đầu tiên, bây giờ Hội Nông dân không đứng ra thực hiện nữa. Vì “dân ứ đọng hàng trăm tấn dưa hấu, mình giải cứu được khoảng vài tấn đến chục tấn, không ăn thua gì”. Theo ông Hường, điều cốt tử chính là việc phải làm sao để chấm dứt những… mùa giải cứu.
Đây cũng là ý kiến của đại diện một doanh nghiệp phân phối lớn. Theo vị này, trách nhiệm của doanh nghiệp phân phối vẫn phải làm, phải chung tay với người nông dân nhưng nếu cứ tiếp tục giải cứu, sẽ xuất hiện tư tưởng người nông dân cứ làm theo ý họ muốn, nếu thị trường không chấp nhận, vẫn sẽ còn lực lượng giải cứu. “Điều này vô tình gây nên sự ỷ lại từ người nông dân” - vị này khẳng định.
Tuy nhiên, để có thể chấm dứt hiện tượng giải cứu, tất cả các ban ngành từ Trung ương đến địa phương đều phải vào cuộc. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và sở, ngành các tỉnh đều đã tổ chức nhiều hội nghị to nhỏ đủ cả nhưng… chưa có hồi kết.
Lý do thì rất đa dạng, bắt nguồn từ tư duy sản xuất đã ăn sâu bén rễ vào từng người nông dân. Theo đó, nông dân luôn thực hiện sản xuất nông nghiệp theo kiểu “ăn xổi ở thì”, cứ thấy mặt hàng nào có giá trị cao là cả xã, huyện, thậm chí nông dân tỉnh khác cũng… xông vào trồng cấy để cung cấp sản phẩm vào năm sau.
Cần giải bài toán “thương lái”
Ngoài yếu tố chủ quan kể trên, còn phải kể đến các yếu tố khác. Theo GS-TS Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Sinh học Nông nghiệp thì mấu chốt nằm ở khâu đầu ra. Vì hiện vẫn chưa có biện pháp gì để “nắn chỉnh” người trồng, thương lái thì được giá mới xuất hiện, sản xuất không có kế hoạch, không có tổ chức. Và cuối cùng, khi thị trường rớt giá vì quá dư cung thì trăm dâu lại đổ đầu… người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Câu chuyện cần phải chấm dứt hiện tượng giải cứu nông sản đã đặt ra qua bao mùa nhưng hàng năm, những chiến dịch giải cứu vẫn luôn xuất hiện. Rất nhiều ý kiến đã được đưa ra nhưng vẫn chưa có một quyết tâm nào được thể hiện để đảm bảo nông sản Việt sẽ ổn định cung - cầu.
Ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực cho rằng, các hộ nông dân cần một tổ chức đại diện cho tập thể sản xuất. Tổ chức này có thể là hợp tác xã nông nghiệp, hiệp hội mặt hàng hoặc tổ hợp sản xuất do doanh nghiệp đứng ra tập trung để giải quyết 3 vấn đề lớn cho sản xuất nông sản.
Theo ông Anh, 3 vấn đề đó bao gồm: phát triển nông nghiệp theo hướng hợp đồng bao tiêu. Đây là điều quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp vì khi giải quyết được vấn đề này tức là đã thống nhất được tiêu chuẩn chất lượng giữa doanh nghiệp và hộ nông dân. Trước đây, người sản xuất thường làm theo thói quen, chưa gắn việc sản xuất đi kèm với tiêu chuẩn chất lượng. Trong khi đó, các doanh nghiệp phân phối hay chế biến đều cần đảm bảo chất lượng ổn định từ phía nguồn cung.
Vấn đề thứ hai, theo ông Thế Anh, là cần phải có một tổ chức giúp liên kết sản xuất với nghiên cứu thị trường. Việc sản xuất nông sản tự do, không theo kế hoạch khiến các hộ nông dân bị phụ thuộc vào một vài thương lái. Khi có biến động thị trường, thương lái không tới, người nông dân chỉ còn biết trông vào… giải cứu. Đây chính là vấn đề mà tất cả các chuyên gia kinh tế đều nhìn ra và đã nhìn thấy trong nhiều năm nhưng chưa thể có biện pháp căn cơ để giải bài toán “thương lái” đối với thị trường nông sản.
Vấn đề thứ ba là phải đẩy mạnh chăn nuôi, trồng trọt theo chuỗi giá trị. Chỉ với cách thức này, các sản phẩm cung cấp mới đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ theo yêu cầu của Việt Nam, mà còn có thể đáp ứng yêu cầu của các quốc gia khác. Và bắt buộc nông dân phải tham gia chuỗi này mới được cung cấp sản phẩm cho các chuỗi nội địa. Theo ông Anh, chỉ bằng cách này mới kiểm soát được nguồn cung cấp đầu ra và giữ ổn định thị trường.
(còn nữa)
Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng cũng cho rằng, hiện nay nông dân đang thiếu người hướng dẫn, định hướng sản xuất. Và vai trò đào tạo, hướng dẫn này chỉ có doanh nghiệp đảm đương là tốt nhất. Vì vậy nông dân và nông nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nhau bởi một bên sản xuất và quyết định chất lượng sản phẩm, một bên nắm rõ những đòi hỏi của thị trường.