Giai đoạn 2021-2025: 100.000 hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ nhà ở

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chính phủ sẽ dành nguồn vốn 75.000 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu đến năm 2025 sẽ có ít nhất 100.000 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ nhà ở.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bao trùm, bền vững

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo kế hoạch, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 48.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 12.690 tỷ đồng và huy động hợp pháp khác 14.310 tỷ đồng.

Mục tiêu tổng quát thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Chương trình phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2025, nước ta giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia; 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu gồm: đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, hạ tầng điện, công trình thủy lợi; Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh.

Đối với giải quyết thiếu hụt việc làm, Chính phủ đặt mục tiêu 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Tối thiểu 100.000 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công. Tối thiểu 9.500 người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đào tạo; trong đó có khoảng 5.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Về y tế, 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được tham gia bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 16 tuổi tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, ven biển và hải đảo xuống dưới 34%. Về giáo dục, đào tạo, phấn đấu tỷ lệ trẻ em hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 90%; tỷ lệ người lao động vùng khó khăn qua đào tạo đạt 60%. Về thông tin, 90% hộ nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông internet, 95% các hộ gia đình được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức sản xuất sản phẩm truyền thông.

Về nhà ở, tối thiểu 100.000 hộ nghèo, hộ cần nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Về nước sinh hoạt và vệ sinh, 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, ít nhất 60% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Hơn 8 triệu người thoát nghèo, cận nghèo

Về việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, theo quyết định, hộ nghèo, hộ cận nghèo trong danh sách do UBND cấp xã quản lý, đang trên địa bàn huyện nghèo và là hộ độc lập có thời gian tác hộ khi chương trình có hiệu lực thi hành tối thiểu 3 năm. Đối tượng thụ hưởng dự án không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, đề án, chính sách khác.

Các hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở hiện có bảo đảm diện tích tối thiểu 30m2 “3 cứng” (nền cứng, khung – tường cứng, mái cứng) tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên. Với tổng nguồn vốn thực hiện là 8.000 tỷ đồng.

Đánh giá về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Qua quá trình thực hiện, công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước, các vùng miền. Đặc biệt đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo. Việt Nam lần đầu tiên và là 1 trong 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; đã hoàn thành sớm Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc về xoá đói, giảm nghèo.

Theo đó, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% năm 2015 (năm đầu kỳ) xuống còn 2,75% năm 2020 (năm cuối kỳ), trung bình giảm 1,43%/năm, tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4%/năm, có hơn 8 triệu người thoát nghèo, cận nghèo; có 32 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, 125 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, kết quả giảm nghèo tuy đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng chưa thật sự bền vững. Nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%. Chuẩn thu nhập trong chuẩn nghèo hiện nay chỉ bằng 45% chuẩn mức sống tối thiểu hiện nay, chưa được điều chỉnh kịp thời. Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sống ở vùng nông thôn, có sinh kế, thu nhập không bền vững; thiếu kỹ năng nghề nghiệp...

Nguồn lực đầu tư giảm nghèo còn dàn trải, chưa đáp ứng thực tiễn. Nhiều công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa bàn nghèo có quy mô nhỏ nên hiệu quả sử dụng, tác động đến đời sống dân sinh, phục vụ sản xuất còn hạn chế.

Đọc thêm