Thông tư 72/2024/TT-BCA quy định về việc tổ chức tiếp nhận, xử lý tin báo và giải quyết ban đầu về TNGT đường bộ; nội dung, biện pháp điều tra, xác minh, giải quyết về TNGT đường bộ và thống kê TNGT đường bộ của CSGT.
Trong đó, tại Điều 7 Thông tư 72/2024/TT-BCA quy định rõ về các nội dung điều tra, xác minh tình tiết của vụ TNGT đường bộ. Theo đó, khi tiến hành điều tra, xác minh vụ TNGT đường bộ, cán bộ CSGT có trách nhiệm làm rõ: Có hay không có dấu hiệu tội phạm. Có hay không có hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ; diễn biến, nguyên nhân dẫn đến TNGT đường bộ. Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm trật tự, ATGT đường bộ, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm. Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm trật tự, ATGT đường bộ gây ra. Tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt, giải quyết vụ TNGT đường bộ. Bất cập, sơ hở, thiếu sót trong tổ chức giao thông, chất lượng hạ tầng giao thông; quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông. Trong quá trình điều tra, xác minh có thể đề xuất trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.
Đáng chú ý, tại Điều 15 Thông tư 72/2024/TT-BCA nêu, trong quá trình điều tra, xác minh vụ TNGT đường bộ, nếu có căn cứ xác định hiện trường bị xáo trộn, hiện trường giả hoặc xét thấy cần thiết cho việc điều tra, xác minh, giải quyết vụ TNGT đường bộ thì tổ chức dựng lại hiện trường vụ TNGT đường bộ để điều tra, xác minh. Việc dựng lại hiện trường phải có Kế hoạch dựng lại hiện trường theo Mẫu số 16/TNĐB ban hành kèm theo Thông tư 72/2024/TT-BCA và được lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt.
Nội dung dựng lại hiện trường gồm: Xác định lại vị trí người bị nạn, tang vật, phương tiện, dấu vết để lại ở hiện trường, xem xét lại những tình huống, hành vi và những tình tiết khi xảy ra vụ TNGT đường bộ; đo và vẽ lại sơ đồ hiện trường; chụp ảnh để làm cơ sở so sánh đối chiếu.
Kết thúc dựng lại hiện trường, phải lập Biên bản khám nghiệm hiện trường dựng lại, vẽ sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ được dựng lại; những người tham gia dựng lại hiện trường ký, ghi rõ họ, tên vào biên bản và sơ đồ.
Về giải quyết vụ TNGT đường bộ theo thủ tục hành chính, tại Điều 18 Thông tư 72/2024/TT-BCA nêu rõ, cán bộ CSGT hướng dẫn cho các bên liên quan đến vụ TNGT đường bộ tự giải quyết bồi thường thiệt hại dân sự tại trụ sở cơ quan, đơn vị. Trường hợp các bên liên quan trong vụ TNGT đường bộ không tự thỏa thuận giải quyết bồi thường thiệt hại dân sự thì phải lập biên bản, đồng thời hướng dẫn các bên liên hệ với Tòa án có thẩm quyền để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Sau khi hoàn thành việc điều tra, xác minh, giải quyết vụ việc, cán bộ CSGT thụ lý hoàn chỉnh hồ sơ và báo cáo lãnh đạo đơn vị kết thúc việc điều tra, xác minh, giải quyết. Đồng thời, thực hiện chế độ thống kê, báo cáo TNGT đường bộ, lưu hồ sơ theo quy định của Bộ Công an và pháp luật có liên quan.
Đáng chú ý, Thông tư 72/2024/TT-BCA nghiêm cấm việc giữ phương tiện giao thông khi đã xác định người điều khiển không có lỗi. Cụ thể, tại khoản 4 Điều 10 Thông tư 72/2024/TT-BCA quy định về việc tạm giữ, xử lý phương tiện, đồ vật, tài liệu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề của người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ TNGT đường bộ để điều tra, xác minh, giải quyết nêu rõ, sau khi kết thúc khám nghiệm phương tiện giao thông, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi và không vi phạm các quy định khác của pháp luật thì phương tiện giao thông phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện. Nghiêm cấm việc giữ phương tiện giao thông của các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông để làm căn cứ giải quyết bồi thường thiệt hại.
Thông tư 72/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.