Giải mã kiêng kỵ trong ngày Rằm “tháng cô hồn“

(PLO) - Rằm tháng bảy hay còn gọi là ngày Xá tội vong nhân trùng với Lễ Vu Lan, báo hiếu cha mẹ với nhiều điều kiêng kỵ "đồn thổi". Phóng viên Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để hiểu đúng về ngày Rằm tháng 7 này.
Giải mã kiêng kỵ trong ngày Rằm “tháng cô hồn“
Ấm lòng những giọt nước mắt rơi
Thưa Giáo sư, Rằm tháng bảy hay còn gọi là ngày xá tội vong nhân có phải là một nét riêng có trong tâm linh của người Việt?   
- Rằm tháng bảy hay còn gọi là Lễ Vu Lan, là ngày mà người sống nghĩ về người đã khuất. Tuy nhiên, đây không phải nét riêng của người Việt Nam và phương Đông mà ngay cả các nước phương Tây họ cũng có lễ hội Haloween cũng là một nghi lễ tưởng nhớ người chết với  quan niệm người chết trở về trong sự tưởng tượng của mỗi người về tất cả những gì kì quái nhất của thế giới bên kia. Cũng giống như trong những đổi mới về ma chay, cưới xin ở ta thì những đám cưới có thể thay đổi rất nhiều nhưng ma chay thì gần như giữ nguyên vì đó là thế giới mà con người không biết. 
Giáo sư Ngô Đức Thịnh
Giáo sư Ngô Đức Thịnh 
Dường như có rất nhiều ý nghĩa trong ngày Rằm này. Và tại sao lại chọn tháng bảy chứ không phải đầu năm để chúng ta hướng về cõi âm, thưa Giáo sư?
- Chúng ta có câu “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ” chính là nói về sự hòa hợp âm dương. Đầu năm là sinh sôi, nảy nở, dương tính mạnh, là Tết của người sống, còn tháng bảy là tháng nghiêng về cuối năm, về phần âm nên có thể được coi như Tết của người âm.
Ngày xá tội vong nhân và Lễ Vu Lan giống nhau là đều có chung nguồn gốc ra đời từ Phật giáo. Hai ngày lễ đều được tổ chức vào Rằm tháng bảy với mục đích thể hiện lòng kính trọng, biết ơn với tổ tiên và các bậc sinh thành. Vì thế trong các gia đình ngoài việc thờ cúng tổ tiên còn có mâm cúng cho những vong hồn mắc nhiều tội lỗi bị giam cầm và xử phạt  đi qua cửa nhà nhằm thỏa lòng từ bi bác ái của con người.
Sở dĩ Lễ Vu Lan (với người miền Nam) được làm trên chùa là bởi truyền thuyết kể về sự ra đời của ngày này có liên quan tới bồ tát Mục Kiền Liên. Mục Kiền Liên sau khi đắc đạo tu luyện thành công nhiều phép thần thông vẫn không nguôi nỗi nhớ mẹ. Mẫu thân ông là Thanh Đề đã qua đời, nhưng khi sống gây nhiều ác nghiệp nên bị đày xuống địa ngục làm ngạ quỷ (quỷ đói). 
Hiếu tử dùng mắt phép biết điều ấy, đã đem cơm xuống địa ngục cho mẹ. Nhưng khi ăn, bà Thanh Đề đã không cho cô hồn khác ăn cùng nên cơm hóa thành lửa đỏ. Mục Kiền Liên đau xót, nhờ Phật Tổ chỉ cách giúp cứu mẹ. Phật Tổ dạy, chỉ có hợp sức của chúng tăng vào ngày Rằm tháng bảy mới mong cứu được mẹ. Mục Kiền Liên làm theo và đã giải thoát được bà Thanh Đề.
Tuy nhiên, ý nghĩa của ngày xá tội vong nhân và Lễ Vu Lan thực ra còn sâu sắc hơn thế. Bởi ý nghĩa tưởng là chỉ dành cho người đã khuất nhưng nói một cách chính xác còn chính là để cho người đang sống liên quan tới cả nho giáo và phật giáo. Bởi chữ Hiếu trong nho giáo là chuẩn mực của người quân tử. 
Chính vì thế, khi lên chùa bạn sẽ gặp những giọt nước mắt cảm động của những người con nhớ về cha mẹ và cả những giọt nước mắt ân hận. Chúng ta báo hiếu cha mẹ không phải chỉ khi đã khuất đi mà ngay từ khi đang sống. Tôi gặp rất nhiều trường hợp khi cha mẹ còn sống thì thờ ơ, nhưng khi nằm xuống lại làm rình rang thì đâu còn ý nghĩa gì nữa. 
Có thể nói, Rằm tháng bảy với đúng nghĩa của nó mang tính giáo dục rất lớn bởi khuyến khích cái thiện trong mỗi con người. Chúng ta báo hiếu cha mẹ, và làm những điều ấm lòng cho những vong hồn lang thang, cơ nhỡ. Việc cúng cô hồn không chỉ để khỏi bị quấy phá, mà vì muốn làm phúc, giúp những cô hồn ít ra cũng có một ngày được no nê, đỡ tủi phận. 
Đó là ý nghĩa mang tính nhân văn rất cao trong văn hóa Việt, cũng như quan niệm về ngày xá tội: con người dù đã gây ra những tội ác gì thì trong quá trình chịu trừng phạt, quả báo, cũng có được một ngày xá tội, để đỡ khổ cực, đau đớn…
“ Cõi âm”- có hay không?
Thưa Giáo sư, là người đã dành cả đời nghiên cứu về tín ngưỡng, tâm linh, liệu những gì người ta vẫn khẳng định về “thế giới bên kia”, về “linh hồn” có phải chỉ là tưởng tượng? 
- Tôi không muốn khẳng định một điều gì về chuyện này. Bởi theo duy vật, hiện tượng không chạm được vào một cách cụ thể như chạm vào da thịt thì không thể khẳng định là có thật. Còn theo duy tâm, hiện tượng thực thực hư hư đã được công nhận là tồn tại. Nói chung tùy theo quan niệm của từng người để khẳng định điều này. Nhưng riêng với tôi, những gì ta không biết không phải là không có.
Có thể nói, cùng với kinh tế phát triển, chúng ta đang khôi phục lại một phong tục tốt đẹp của người Việt, nhưng với quan niệm “trần sao, âm vậy” thì sự biến tướng về gửi, đốt vàng mã đang trở nên vô cùng lãng phí?
- Trong đời sống ngày nay, kinh tế thị trường xô bồ nên có lẽ nhiều người nghĩ thần linh cũng cần tiền. Đành rằng thờ cúng và gửi lễ cho người chết là điều tốt nhưng gửi nhiều quá lại là “đút lót” cho người âm. Với  quan niệm muốn “được việc” phải “cậy nhờ” là rất sai trong đời sống tín ngưỡng, bởi ở đó không có sự trục lợi. 
Mặt khác, văn hóa tín ngưỡng cũng là một kiến thức cần được giáo dục, chúng ta đừng mang đời thực làm vẩn đục tín ngưỡng tốt đẹp vốn có của cha ông. Bởi  thực tế những tín ngưỡng về tâm linh đều rất tốt đẹp nhưng sự biến tướng lại làm mất đi vẻ đẹp nguyên sơ của nó. Thế nên, sự cúng bái ngày nay đang ồn ào, phô trương chứ không từ cái tâm thanh thản ấm lòng như xưa…
Hiện trong cuộc sống, nhiều người vẫn đang truyền cho nhau những điều “kiêng kỵ” trong “tháng cô hồn” này bởi quan niệm lo lắng các vong hồn khi được thả ra sẽ quấy phá như kiêng ra đường buổi đêm, kiêng cheo chuông gió, kiêng gọi tên nhau, thậm chí kiêng cả chuyện “vợ chồng”… Quan điểm của Giáo sư ra sao?
- Tôi chưa thấy có một nghiên cứu nào về những kiêng kỵ thái quá đó. Theo nhà Phật, tháng nào cũng như nhau, nếu chúng ta sống bằng tâm, đức, không lừa lọc, dối trá thì không cần thiết phải lo lắng, sợ hãi. Mọi người cần sáng suốt nhìn nhận không nên quá kỹ tính kiêng khem, sinh mê tín bởi những quan niệm này chưa được bất kỳ khoa học nào chứng minh là đúng.
Tuy nhiên, hành vi của chúng ta trong những dịp như vậy nên làm theo phong tục. Điều quan trọng là mình làm chủ hành vi của mình. Nếu ngày đó có việc cần thiết không thể dừng thì chúng ta không nên trì hoãn, song nếu không tới mức đó thì chúng ta cũng không phải làm những điều mà ta lo lắng. 
Con người khi bị quan niệm ràng buộc và lệ thuộc quá mức với những kiêng khem đó sẽ trở nên cuồng tín thái quá. Dù cuộc sống có những điều huyền bí, khó lý giải nhưng anh vẫn phải là anh và xử lý tình huống theo bản lĩnh của anh chứ không phải là ai khác. 
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!