Cam kết giải ngân đạt kế hoạch đề ra trong năm 2023
Báo cáo tổng hợp tình hình phân bổ, giải ngân của 5 địa phương thuộc Tổ công tác số 1 cho thấy, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao là 92.917,98 tỷ đồng. Trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương là 67.268,66 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương 25.649,32 tỷ đồng. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số giải ngân của 5 địa phương đến hết tháng 3/2023 là hơn 2.553 tỷ đồng, đạt 2,74% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn rất nhiều so với bình quân chung của cả nước (10,35%).
Đại diện các địa phương thẳng thắn nhận trách nhiệm về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công; báo cáo cụ thể về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện của các dự án; đồng thời cập nhật thêm số liệu giải ngân; nêu các kiến nghị xử lý vướng mắc đối với bộ, ngành và giải pháp tập trung triển khai để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, nhất là đối với những công trình trọng điểm.
TP HCM, An Giang, Sóc Trăng đều cam kết phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công năm 2023 được giao. Tỉnh Trà Vinh cam kết giải ngân trên 98% kế hoạch và Vĩnh Long cam kết giải ngân vốn ngân sách trung ương đạt 100% kế hoạch và vốn ngân sách địa phương là 95% kế hoạch.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phân tích thêm các nguyên nhân về pháp lý, công tác tổ chức thực thi, đồng thời giải đáp một số kiến nghị của các địa phương nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, kế hoạch vốn của 5 tỉnh, TP này rất lớn, chiếm hơn 10% tổng số vốn đầu tư công năm 2023 của cả nước. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân của 5 địa phương này trong quý I/2023 lại thấp hơn bình quân chung.
Bày tỏ sự chưa hài lòng, Phó Thủ tướng lưu ý, trong quý I/2023, 5 tỉnh, thành giải ngân thấp hơn bình chung quân của cả nước, vậy trong quý II, các địa phương có cam kết sẽ bắt kịp tiến độ bình quân của cả nước không? Tại sao cùng một môi trường pháp lý như nhau, Chính phủ chỉ đạo công bằng, công khai, minh bạch, “không ưu ái riêng 1 địa phương nào” mà có địa phương giải ngân tốt, thậm chí thiếu tiền xin thêm không được, trong khi đó, nhiều địa phương lại thấp hơn mặt bằng chung? Phó Thủ tướng nêu vấn đề và đề nghị các tỉnh, thành phải chỉ rõ vướng mắc ở dự án nào, điều nào, khoản nào, văn bản nào, vướng ở bộ, ngành nào, địa phương nào… để đề xuất giải pháp.
Làm rõ nguyên nhân vướng mắc để khắc phục
Đề cập đến những nguyên nhân vướng mắc nêu trong báo cáo, Phó Thủ tướng cho rằng có những nguyên nhân “nêu cho có chứ không sát thực”. Chẳng hạn như: “Địa phương gặp khó khăn vì không thể chủ động quyết định việc nâng trần kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương theo khả năng thu thực tế, dẫn đến không thể chủ động bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các dự án mới để làm cơ sở bố trí kế hoạch đầu tư công hằng năm”.
Phó Thủ tướng phân tích, Luật Đầu tư công đã có, kế hoạch đầu công trung hạn 5 năm Quốc hội đã phê duyệt danh mục cụ thể. Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư. Phần việc còn lại về mặt thủ tục phê duyệt dự án, kế hoạch đấu thầu… là của địa phương.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến đối với kiến nghị của địa phương về xử lý các vướng mắc như kế hoạch đầu tư công trung hạn; việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng; định mức lập dự án trong một số lĩnh vực chuyên ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin; kéo dài thời gian bố trí vốn, thời hạn giải ngân; hướng dẫn về trình tự, thủ tục, quyết định chủ trương đầu tư dự án, phê duyệt các dự án hỗ trợ thuộc thẩm quyền địa phương; điều chỉnh dự án liên quan đến tổng mức đầu tư; sử dụng nguồn chi sự nghiệp thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể…
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2023. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ để đánh giá, khen thưởng, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ, cũng như xử lý những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ… Nhấn mạnh việc thành bại là ở cán bộ, nhất là trong thời điểm hiện nay, có những cán bộ e ngại, sợ trách nhiệm, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phải phát huy vai trò của cán bộ, phân công công việc rõ ràng, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, chất lượng công việc để kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện.
Bên cạnh đó, cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Lãnh đạo UBND tỉnh cần trực tiếp phụ trách, đôn đốc triển khai các nhóm dự án cụ thể, nhất là các dự án, công trình trọng điểm. Đồng thời, các địa phương cũng phải thường xuyên kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư trong triển khai dự án, phân loại rõ các nhóm dự án để kịp thời có các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cố gắng đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp lại các số liệu của các địa phương cho sát với tình hình thực tế, nhất là số liệu về giải ngân và phân bổ vốn; tiếp thu các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, hoàn thiện Báo cáo của Tổ công tác số 1 để trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Về công tác tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, việc chuẩn bị đầu tư phải được thực hiện sớm. Bởi trong công tác đầu tư công, khâu “chuẩn bị đầu tư là khó nhất”, phải lường trước tất cả các vấn đề để đưa vào kế hoạch như: khâu giải phóng mặt bằng; di dời hạ tầng kỹ thuật; đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; giao thầu, triển khai dự án; năng lực của các ban quản lý dự án… Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các địa phương phải hết sức sát sao, quyết liệt. Đối với các nguyên nhân chủ quan, phải tập trung khắc phục triệt để mới có thể đẩy nhanh được tiến độ dự án.