Giải ngân đầu tư công ở Thanh Hóa: Nơi nhanh, nơi chưa 'tiêu' đồng nào

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa được Trung ương phân bổ hơn 11.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Ngay từ đầu năm, kế hoạch chi tiết vốn đã được UBND tỉnh giao cho chủ đầu tư để chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, với mục tiêu giải ngân hết 100%.
Tỉnh Thanh Hóa khởi công tuyến đường Vạn Thiện - Bến En, nối cao tốc Bắc - Nam đoạn từ xã Vạn Thiện đến Vườn quốc gia Bến En, trị giá gần 1.200 tỷ.
Tỉnh Thanh Hóa khởi công tuyến đường Vạn Thiện - Bến En, nối cao tốc Bắc - Nam đoạn từ xã Vạn Thiện đến Vườn quốc gia Bến En, trị giá gần 1.200 tỷ.

Từ đầu năm đến nay, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 21 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương, các chủ đầu tư triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến ngày 23/9/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 55% kế hoạch, cao hơn 8,3% tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước. Có được kết quả này là do tỉnh Thanh Hóa đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp như: Giao sớm kế hoạch chi tiết năm 2022 cho các chương trình, dự án, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư chủ động triển khai thực hiện. Quy định mốc thời gian hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đối với từng loại dự án.

Một số nguồn vốn có tiến độ giải ngân nhanh so với kế hoạch giao chi tiết, như: Đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết (89,3%); đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất (77,2%); chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước (62,4%).

Cụ thể, có 51 chủ đầu tư giải ngân đạt từ 50% kế hoạch trở lên, gồm: 04 sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh (Sở Giao thông - Vận tải, Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp); có 05 đơn vị cấp huyện (thành phố Sầm Sơn và các huyện Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Đông Sơn, Cẩm Thủy); 07 đơn vị khác (Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Trường Đại học Hồng Đức, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Phụ sản, Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông) và 35 UBND cấp xã.

Có 12 chủ đầu tư giải ngân đạt từ 30% đến dưới 50% kế hoạch, gồm: 04 sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh (Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh); 07 UBND cấp huyện (thị xã Bỉm Sơn, các huyện Hậu Lộc, Quan Sơn, Như Xuân, Yên Định, Thạch Thành, Quảng Xương) và Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng.

Có 15 chủ đầu tư giải ngân đạt từ 10% đến dưới 30% kế hoạch, gồm: 03 sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh (Sở NN và PTNT, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp); 12 UBND cấp huyện (TP.Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn, các huyện Ngọc Lặc, Nga Sơn, Hà Trung, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Quan Hóa, Lang Chánh, Mường Lát, Thường Xuân).

Có 09 chủ đầu tư giải ngân đạt dưới 10% kế hoạch, gồm: 03 sở, ban, ngành cấp tỉnh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) và 03 UBND cấp huyện (Bá Thước, Nông Cống, Như Thanh) và 03 chủ đầu tư chưa giải ngân (Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, huyện ủy Cẩm Thủy).

UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương thường xuyên rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án có tiến độ giải ngân chậm, không đảm bảo theo quy định để bố trí sang cho các dự án có tiến độ nhanh, có nhu cầu bổ sung thêm vốn. Gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị, chủ đầu tư trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công…

Đọc thêm