Giải pháp để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cùng với sự phát triển của hệ thống tài chính trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc mở rộng phạm vi, đối tượng của bảo hiểm tiền gửi (BHTG) tham gia vào xử lý các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém theo Luật Các TCTD năm 2024, đã đặt ra những yêu cầu mới trong việc nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN để tham gia hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại các TCTD.
Giải pháp để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng

Vai trò của BHTGVN trong cơ cấu lại các TCTD

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) có vai trò quan trọng và đã tham gia tích cực vào quá trình cơ cấu lại các TCTD tại Việt Nam trong nhiều năm qua.

Tại Việt Nam, vai trò của BHTGVN đã được nhấn mạnh tại Luật BHTG số 06/2012/QH13; Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, trong đó xác định một trong các nguồn lực để cơ cấu lại các TCTD là từ quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTG; đồng thời, vai trò này cũng đã được thể chế hóa theo hướng ngày càng được mở rộng cả về phạm vi và đối tượng tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD (Luật số 17/2017/QH14) và nhất là Luật Các TCTD số 32/2024/QH15.

Luật đã quy định vai trò của BHTG, như: tham gia đánh giá tính khả thi phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của quỹ tín dụng nhân dân (QTDND); cho vay đặc biệt đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, QTDND, tổ chức tài chính vi mô theo quy định của pháp luật về BHTG; mua trái phiếu dài hạn của TCTD nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại theo quyết định của NHNN; tham gia xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, phối hợp với TCTD để chi trả BHTG cho người gửi tiền theo phương án phá sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Trong nhiều năm qua, BHTGVN đã tham gia tích cực vào quá trình cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. BHTGVN đã ban hành Quy chế về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt kèm theo Quyết định 593/QĐ-BHTG ngày 7/9/2018; Hướng dẫn thực hiện Quy chế về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt số 1327/HD-BHTG ngày 29/10/2019; Hướng dẫn tạm thời về việc BHTGVN tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với QTDND; Quy định tạm thời về Tổ xử lý đột biến đối với QTDND có vấn đề; ban hành Hướng dẫn tạm thời đánh giá tính khả thi phương án phục hồi QTDND và tổ chức tài chính vi mô được kiểm soát đặc biệt...

BHTGVN đã tham gia thực hiện giám sát tình hình hoạt động và thực hiện phương án củng cố, chấn chỉnh QTDND, đặc biệt là giám sát số liệu chi tiết, biến động tài sản của QTDND, số dư tiền gửi, tiền gửi được bảo hiểm, tình hình phân loại nợ, khả năng thu hồi nợ của QTDND để đánh giá khả năng chi trả tiền gửi đến hạn thanh toán; xử lý các tình huống phát sinh, tham gia ý kiến đối với phương án xử lý QTDND được kiểm soát đặc biệt; thực hiện đối chiếu, xác minh, lập danh sách người gửi tiền, tham gia tuyên truyền, hỗ trợ đối với các QTDND…

Hàng năm, BHTGVN đã xây dựng mức vốn dự phòng cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt để chủ động nguồn lực tài chính, sẵn sàng cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt đủ điều kiện vay vốn. Đồng thời, chủ động, tích cực tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi khi được yêu cầu, đề xuất phương án xử lý phù hợp với quy định của Luật Các TCTD.

Hàng năm, BHTGVN đã xây dựng mức vốn dự phòng cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt để chủ động nguồn lực tài chính

Hàng năm, BHTGVN đã xây dựng mức vốn dự phòng cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt để chủ động nguồn lực tài chính

Thực trạng năng lực tài chính của BHTGVN

Phí BHTG là nguồn thu chủ yếu của quỹ dự phòng nghiệp vụ. Hiện nay, mức phí BHTG là 0,15%/năm tính trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm bình quân, áp dụng đồng hạng đối với tất cả các tổ chức tham gia BHTG.

Để chủ động về nguồn lực tài chính bảo vệ cho tiền gửi tại 1.278 tổ chức tham gia BHTG, BHTGVN đã chủ động đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức tham gia BHTG gửi bảng kê số dư tiền gửi được bảo hiểm để tính và nộp phí BHTG, thực hiện tính và thu phí BHTG theo quy định; kịp thời giải đáp, xử lý các vấn đề phát sinh nhằm hạn chế tối đa việc nộp muộn, thừa, thiếu phí BHTG.

Tổng số phí BHTG thu được trong năm 2023 là 10.614 tỷ đồng, vượt 10,3% so với Kế hoạch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao; thực hiện miễn nộp phí BHTG cho một số tổ chức tham gia BHTG được kiểm soát đặc biệt theo quy định với tổng số tiền là 755,8 tỷ đồng.

Đến hết tháng 6/2024, tổng nguồn vốn của BHTGVN đạt hơn 117 nghìn tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng hơn 7% so với thời điểm ngày 31/12/2023. Đây là nguồn lực để sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính.

Trong các năm qua, hoạt động đầu tư của BHTGVN được thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm an toàn, phát triển vốn. Số tiền đầu tư lũy kế hằng năm giai đoạn 2015-2022 tăng với tốc độ trung bình khoảng 21%. Tỷ trọng số tiền đầu tư lũy kế/tổng nguồn vốn ổn định với mức 93-96%.

Tổng doanh thu của BHTGVN gồm doanh thu từ hoạt động đầu tư và doanh thu khác (thu cho thuê trụ sở, thu tư vấn đào tạo cán bộ cho tổ chức tham gia BHTG…), trong đó doanh thu từ hoạt động đầu tư chiếm trên 99%, còn doanh thu khác chỉ chiếm dưới 1%; bình quân tốc độ tăng doanh thu đầu tư giai đoạn 2015-2022 là khoảng 11%, qua đó giúp tích lũy và gia tăng vốn, góp phần nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN, cải thiện vị thế và đảm bảo thực hiện các mục tiêu chính sách công về BHTG.

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư của BHTGVN đã bộc lộ những hạn chế nhất định khi danh mục đầu tư của BHTGVN là trái phiếu Chính phủ (chiếm trên 99% danh mục đầu tư), tín phiếu NHNN và gửi tiền tại NHNN.

Trong bối cảnh lãi suất gửi tiền tại NHNN thấp, tín phiếu NHNN khó tìm được đối tác giao dịch, trong khi nguyên tắc đầu tư trái phiếu Chính phủ của BHTGVN là “mua - nắm giữ đến ngày đáo hạn” và chỉ được bán trong trường hợp Quỹ dự phòng nghiệp vụ không đủ để chi trả BHTG có thể hạn chế tính linh hoạt trong điều phối dòng tiền, phần nào ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản phục vụ chi trả nếu BHTGVN phát sinh nghĩa vụ này.

Giải pháp nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN để tham gia hiệu quả hơn vào cơ cấu lại các TCTD

Về phí BHTG

Luật Các TCTD năm 2024 quy định BHTGVN xây dựng phương án tăng phí BHTG để bù đắp phần vay đặc biệt NHNN trong trường hợp số tiền trong quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN không đủ để chi trả cho người gửi tiền theo phương án phá sản đã được phê duyệt. Đây là nội dung mới, cần được nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG liên quan đến xây dựng phương án tăng phí BHTG tại Luật BHTG.

Ngoài ra, để BHTGVN có cơ sở triển khai, cần có quy định cụ thể về trường hợp, điều kiện tăng phí BHTG; thẩm quyền, quy trình, thủ tục tăng phí BHTG và các vấn đề khác có liên quan. Những nội dung này cần thiết đưa vào nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG và các văn bản hướng dẫn Luật.

BHTGVN có vai trò quan trọng và đã tham gia tích cực vào quá trình cơ cấu lại các TCTD tại Việt Nam trong nhiều năm qua.

BHTGVN có vai trò quan trọng và đã tham gia tích cực vào quá trình cơ cấu lại các TCTD tại Việt Nam trong nhiều năm qua.

Cơ chế vay đặc biệt từ NHNN

Luật Các TCTD năm 2024 quy định BHTGVN được: (i) Vay đặc biệt NHNN trong trường hợp số tiền trong quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN không đủ để chi trả cho người gửi tiền theo phương án phá sản đã được phê duyệt; (ii) Sử dụng tiền trả nợ vay đặc biệt của TCTD, nguồn thu từ bán giấy tờ có giá do BHTGVN nắm giữ, từ thanh lý tài sản của TCTD vay đặc biệt, phí BHTG để ưu tiên hoàn trả nợ vay đặc biệt cho NHNN.

Đây là nội dung mới, để có cơ sở triển khai cần có quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của tổ chức BHTG liên quan đến vay đặc biệt NHNN để đảm bảo đồng bộ với Luật Các TCTD năm 2024, đồng thời quy định rõ trường hợp, điều kiện, trình tự, thủ tục vay đặc biệt NHNN; nguồn tiền trả nợ vay đặc biệt NHNN

Tiếp nhận hỗ trợ theo nguyên tắc có hoàn trả từ ngân sách Nhà nước

Cơ chế BHTGVN được tiếp nhận hỗ trợ theo nguyên tắc có hoàn trả từ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại khoản 12 Điều 13 của Luật BHTG. Mục tiêu của phương án này là nhằm tạo vốn từ tiếp nhận hỗ trợ để thực hiện chi trả và tham gia cơ cấu lại thông qua mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ.

Do vậy, có thể nghiên cứu để áp dụng mức lãi suất tiếp nhận hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước để bổ sung thêm nguồn lực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG và tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu.

Phương án vay của TCTD, tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ

Cơ chế BHTGVN vay của TCTD, tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ cũng được quy định tại khoản 12 Điều 13 của Luật BHTG. Cần nghiên cứu quy định cụ thể tỷ lệ khoản vay của BHTGVN vay của TCTD, tổ chức khác có sự bảo lãnh của Chính phủ. Đồng thời, BHTGVN có trách nhiệm theo dõi việc sử dụng khoản vay của TCTD, tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ và báo cáo NHNN tình hình thực hiện. Khi đến hạn hoàn trả, BHTGVN thực hiện phương án hoàn trả nợ vay có bảo lãnh của Chính phủ theo quy định.

Đọc thêm