Các doanh nghiệp phản ứng tích cực trước những hỗ trợ từ phía Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ.
Những tháng đầu năm 2012, khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của lạm phát và suy giảm phát triển kinh tế năm 2011 mới bắt đầu lộ rõ. Chưa có thời điểm nào mà con số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, thua lỗ và có nguy cơ phá sản lại nhiều như hiện nay.
Nghị quyết 13 của Chính phủ hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp. Ảnh: M.H. |
Không chỉ các doanh nghiệp bất động sản rơi vào khủng hoảng mà một loạt các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh khác cũng suy thoái và khó phục hồi sớm khi thị trường gặp khó khăn. Doanh nghiệp ngừng sản xuất, kinh doanh sẽ không chỉ là vấn đề của riêng doanh nghiệp mà sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội tiêu cực do người lao động mất việc làm, giảm thu nhập. Trước tình hình này, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường nằm cứu các doanh nghiệp trong thời khốn khó.
Luật sư Nguyễn Minh Anh trao đổi về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ đề ra trong Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 và phản ứng của doanh nghiệp đối với giải pháp cứu doanh nghiệp của Chính phủ:
Thưa Luật sư, ông đánh giá như thế nào về vai trò của các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ đề ra trong Nghị quyết 13?
- Theo tôi nhận thấy thì trước khi đề ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 13 thì Chính phủ cũng đã có các chính sách nhằm hồi phục nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thị trường sau khi áp dụng các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát năm 2011, rõ nét nhất là việc hạ lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay. Nhưng việc hạ lãi suất không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp ngay lập tức tiếp cận được với nguồn vốn và hết khó khăn ngay.
Chính sách lãi suất chưa thể phát huy tác dụng ngay lập tức, đặc biệt là trong lúc doanh nghiệp đang thận trọng với việc đầu tư khi mà có thực tế là “thò đồng nào ra là mất đồng ấy”. Vì thế, tuy lãi suất có giảm nhưng khó khăn của doanh nghiệp vẫn không được tháo gỡ và nguy cơ “chết” vẫn hiện hữu .
Vì lý do trên, việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như gia hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp là cách phù hợp ở thời điểm này. Các doanh nghiệp sẽ tận dụng được nguồn vốn ít ỏi cho hoạt động kinh doanh của mình. Vì vậy, tôi được biết các doanh nghiệp phản ứng tích cực đối với chính sách này của Chính phủ.
Có ý kiến cho rằng, việc gia hạn nộp thuế và giảm tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp cũng chỉ có ý nghĩa tinh thần vì thực tế, số tiền thuế mà doanh nghiệp phải nộp cũng không nhiều, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- So với lượng vốn hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mà doanh nghiệp cần để đầu tư sản xuất, kinh doanh thì số tiền gia hạn nộp thuế hoặc giảm tiền thuê đất cũng khiêm tốn. Song, cũng còn tùy thuộc từng doanh nghiệp, từng trường hợp. Về hệ quả chung của chính sách thì theo tôi, đây là giải pháp tốt, có ý nghĩa tích cực để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Trong lúc khó khăn thì sự hỗ trợ dù nhỏ cũng quý, dù là “một miếng khi đói” cũng có ý nghĩa. Đây là giải pháp có tính hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn, không phải là cách giúp doanh nghiệp phát triển. Để phát triển được thì doanh nghiệp vẫn phải tiếp cận được nguồn vốn và phát triển được thị trường.
Một nội dung quan trọng trong Nghị quyết 13 mà Chính phủ đề ra là việc xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu được Quốc hội đồng ý thì đây là một chính sách có lợi lớn cho các doanh nghiệp.
Để được hưởng chính sách hỗ trợ, các doanh nghiệp cần phải làm gì, thưa ông?
- Nghị quyết 13 của Chính phủ là văn bản mang tính chính sách. Để áp dụng chính sách này, các bộ mà chủ yếu là Bộ Tài chính cần phải ban hành văn bản cụ thể, như thông tư hướng dẫn Nghị quyết 13 của Chính phủ.
Về phía doanh nghiệp, theo tôi cần phải xác định mình có thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 13 hay không. Nếu thuộc đối tượng được hỗ trợ thì doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ pháp lý cần thiết để khi có hướng dẫn cụ thể, doanh nghiệp có thể vận dụng ngay và tránh bị động trong việc thụ hưởng chính sách của Chính phủ.
Xin cảm ơn ông!
Các nội dung của Nghị quyết 13 mà doanh nghiệp quan tâm Gia hạn 06 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng 4, tháng 5 và tháng 6 năm 2012 đối với các doanh nghiệp sau đây đang thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ; Giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012 theo quy định tại Quyết định số 2093/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất trong năm 2011 và năm 2012 đối với một số tổ chức kinh tế…;Gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính. Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. |
Bình Minh