Giải pháp "gỡ khó" cho giao thông Thủ đô năm 2013

“Việc huy động và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và VTHKCC khối lượng lớn sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn năm 2012. Trong khi đó Hà Nội vẫn cần phải ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng trong năm mới 2013 để giao thông Thủ đô phát triển hơn”, TS Khuất Việt Hùng, Vụ Phó Vụ Vận tải (Bộ GTVT) nhận định.

“Việc huy động và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và VTHKCC khối lượng lớn sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn năm 2012. Trong khi đó Hà Nội vẫn cần phải ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng trong năm mới 2013 để giao thông Thủ đô phát triển hơn”, TS Khuất Việt Hùng, Vụ Phó Vụ Vận tải (Bộ GTVT) nhận định.

- Ông đánh giá thế nào về tình hình giao thông hiện nay ở Thủ đô?

- Năm 2012, chúng ta chứng kiến những nỗ lực lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và ngành GTVT Hà Nội trong việc nghiên cứu, thực hiện các giải pháp phù hợp và quyết liệt mang đến những kết quả khả quan, cải thiện tình hình giao thông Thủ đô. Những nỗ lực đó đã được nhân dân Thủ đô, đồng bào cả nước và bè bạn quốc tế đánh giá cao.

Ông Khuất Việt Hùng
TS Khuất Việt Hùng

Các nhóm giải pháp quản lý giao thông, như điều chỉnh giờ học - giờ làm, kiểm soát đỗ xe trên 263 tuyến phố chính, nâng cao mức phí đỗ xe… đến những giải pháp cải thiện chất lượng dịch vụ VTCC bằng xe buýt như đổi mới đoàn phương tiện theo hướng thân thiện môi trường, áp dụng công nghệ giám sát hành trình, cải thiện thông tin hành khách…, đặc biệt là việc xây dựng và đưa vào khai khác những cây cầu vượt nhẹ tại các nút giao trọng điểm..., đã góp phần làm giảm số lượng và thời gian các vụ ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Trong công tác bảo đảm trật tự và ATGT, giải pháp tăng cường thực thi pháp luật giao thông của lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và các lực lượng chức năng khác đã góp phần giảm tai nạn giao thông trên địa bàn thủ đô theo cả 3 tiêu chí.

- Theo ông, năm 2013 giao thông Hà Nội sẽ phải đối mặt với những vấn đề gì?

- Bước sang năm 2013, giao thông vận tải Thủ đô vẫn tiếp tục đứng trước những thách thức lớn, vấn nạn ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp, đòi hỏi chính quyền và nhân dân thành phố tiếp tục phải nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2012.

Những thách thức này bao gồm: Sự gia tăng  của nhu cầu giao thông nói chung và nhu cầu tham gia giao thông bằng các phương tiện cơ giới cá nhân nói riêng trong khi năng lực và chất lương của kết cấu hạ tầng và của dịch vụ vận tải hành khách công cộng sẽ không thể gia tăng tương ứng.

Năng lực và hiệu quả thực thi pháp luật về giao thông vận tải trong khi khối lượng công việc và nhiệm vụ lớn, số lượng và chất lượng nhân sự của các lực lượng chức năng không thể cải thiện nhanh chóng.

Nhận thức của nhiều người tham gia giao thông về sự cần thiết phải tuân thủ luật lệ giao thông còn chưa đầy đủ dẫn đến số lượng và tần suất vi phạm luật lệ giao thông sẽ còn ở mức cao;

Việc huy động và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và VTHKCC khối lượng lớn sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn năm 2012.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

- Vậy theo ông, Hà Nội cần làm gì để khắc phục những khó khăn trên?

- Đối mặt với những thách thức này, từ khía cạnh chuyên môn, tôi thấy rằng thủ đô Hà Nội có thể xem xét nghiên cứu để thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất: Tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các giải pháp quản lý giao thông đô thị, trong đó đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ hiệu quả việc sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong các khu vực trọng tâm về ùn tắc giao thông.

Thứ 2: Đẩy nhanh hơn nữa việc khắc phục các vị trí thắt cổ chai về năng lực trong mạng lưới kết cấu hạ tầng đặc biệt là áp dụng cầu vượt nhẹ tại những nút giao thông thường xuyên ách tắc trên vành đai II và một số điểm trên các trục hướng tâm bên trong vành đai II đảm bảo sự đồng bộ về năng lực thông hành giữa đường và nút giao.

Nhanh chóng đầu tư xây lắp một số công trình đỗ xe trong khu vực trung tâm có xem xét đến bán kính phục vụ và sự suy giảm năng lực đỗ xe hiện tại khi áp dụng triệt để biện pháp cấm đỗ xe dọc theo các tuyến phố chính;

Thứ 3: Nâng cao năng lực và hiệu quả phục vụ của hệ thống VTHKCC của thủ đô trong đó tập trung vào mở rộng mạng lưới tuyến đến các khu vực ngoại thành, đầu tư đổi mới đoàn phương tiện và áp dụng hệ thống quản lý VTHKCC thông minh để nâng cao năng suất phục vụ của đoàn phương tiện, đặc biệt là trong giờ cao điểm.

Nhanh chóng nhân rộng dịch vụ trông giữ xe máy và xe đạp gắn kết với các điểm đầu/cuối, trạm dừng chính của các tuyến xe buýt kết nối giữa khu vực đô thị trung tâm với khu vực ven đô và ngoại thành.

Thứ tư: Nâng cao năng lực giải ngân và tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình kết cấu hạ tầng đường bộ và hệ thống vận tải công cộng trọng điểm  trong đó tập trung đây nhanh tiến độ Cầu Nhật Tân, Tuyến đường sắt đô thị số 2A, tuyến Xe buýt nhanh khối lượng lớn Kim Mã – Hà Đông, các tuyến đường cao tốc Hà Nội Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai để đảm bảo tiến độ của các công trình.

Thứ 5: Nâng cao năng lực và hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục và thực thi pháp luật về giao thông vận tải  trong đó đặc biệt nhấn mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và tinh thần thượng tôn pháp luật nói chung và pháp luật về giao thông vận tải nói riêng, trước tiên là trong đội ngũ cán bộ ngành giao thông vận tải và các lực lượng thực thi pháp luật về GTVT.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thực thi pháp luật và xử phạt nghiêm minh mọi hành vi vi phạm luật lệ giao thông, đặc biệt là kết hợp sử dụng nhiều lực lượng trong tuần tra, thanh tra, xử lý vi phạm.

- Xin cám ơn ông.

Hoàng Phan (thực hiện)

Đọc thêm