Nhu cầu thiết thực từ cuộc sống
Nghị quyết số 76/2014/QH2013 của Quốc hội, về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo đến năm 2020, đã nêu rõ: “Tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; điều chỉnh đối tượng, mức vay, lãi suất, thời hạn cho vay phù hợp gắn với chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng, nhân rộng mô hình thoát nghèo gắn kết với cộng đồng dân cư trên địa bàn”.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định luôn quan tâm, dành nguồn lực để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Chính phủ việc nâng mức cho vay một số chương trình tín dụng vào thời điểm phù hợp.
Trong khi đó, nhiều ý kiến của khách hàng vay vốn, cử tri trong cả nước, đại biểu Quốc hội, chính quyền các địa phương, các Ban và Hội đồng của Quốc hội đề nghị nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các chương trình tín dụng chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm lên mức 100 triệu đồng/hộ vay. Số tiền này phù hợp để đầu tư các mô hình có quy mô lớn hơn và thời hạn đầu tư dài ngày như: trồng cây công nghiệp, cà phê, cây ăn quả, đầu tư nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, trồng rừng sản xuất…
Qua thực tế kiểm tra, giám sát của các bộ, ngành chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội và quá trình triển khai thực hiện, theo dõi của NHCSXH đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội cho thấy nhu cầu và khả năng sử dụng vốn của hộ vay ngày càng cao, việc nâng mức cho vay là phù hợp với tình hình thực tế, góp phần hạn chế “tín dụng đen” đối với đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Vì thế, ngày 22/02/2019, Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH ban hành Quyết định số 12/QĐ-HĐQT về nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ không phải thực hiện bảo đảm tiền vay; nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo để phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của các đối tượng dài hạn.
Theo đó, một số chương trình tín dụng được áp dụng như cho vay đối với hộ nghèo (chương trình cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ) cũng được nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay như đối với cho vay hộ nghèo; và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”
Sau khi nâng mức cho vay 4 chương trình tín dụng (hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg), tính đến 31/12/2019, tổng doanh số cho vay nâng mức là 42.157 món vay, với số tiền 3.066.843 triệu đồng. Trong đó, cho vay mới trên 50 triệu đồng/hộ và cho vay bổ sung nâng dư nợ trên 50 triệu đồng/hộ.
Việc cho vay nâng mức và nâng thời hạn cho vay là chủ trương đúng đắn của Hội đồng quản trị NHCSXH, Ban Tổng Giám đốc NHCSXH, được chính quyền địa phương và người dân đánh giá cao, đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo được vay vốn theo nhu cầu của phương án sản xuất kinh doanh, được đáp ứng vốn kịp thời để thực hiện phương án sản xuất kinh doanh tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần hạn chế “tín dụng đen” tại các địa phương.
Việc nâng thời hạn cho vay đã phù hợp với phương án sản xuất kinh doanh, theo chu kỳ sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi, nhất là những cây, con có chu kỳ sinh trưởng dài ngày, cho thu nhập cao như: cây cao su, cây chè, cây cam, xoài,... trâu bò sinh sản, cừu lấy lông,... Qua đó, giúp nâng cao thu nhập, mức sống và có khả năng trả nợ NHCSXH.
Các chương trình tín dụng này đã đáp ứng nhu cầu của hộ vay, giúp hộ vay không phải đi vay thêm tiền bên ngoài hoặc tiếp cận với các hình thức tín dụng, vay nặng lãi, góp phần là một trong những giải pháp hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”, phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước.