Giải pháp kết nối hàng hóa với khu vực Cái Mép

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 09/7, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn tổ chức thành công Hội thảo khách hàng trực tuyến “Giải pháp kết nối hàng hóa với khu vực Cái Mép” nhằm đưa ra giải pháp kết nối chuỗi cung ứng cho hàng hóa xuất nhập khẩu.
Giải pháp kết nối hàng hóa với khu vực Cái Mép

Những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng các biến cố trong ngành hàng hải đã và đang tác động mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Hàng loạt biến động giá cước vận chuyển, thiếu hụt container rỗng, gián đoạn chuỗi cung ứng tạm thời... đã tạo nên “rào cản” cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung và lĩnh vực logistics tại Việt Nam nói riêng.

Sơ đồ giải pháp kết nối hàng hóa khu vưc Cái Mép. Ảnh: Công Hoan.

Sơ đồ giải pháp kết nối hàng hóa khu vưc Cái Mép. Ảnh: Công Hoan.

Thực trạng chuỗi cung ứng hàng hoá xuất nhập khẩu

Nhằm cung cấp giải pháp hỗ trợ khách hàng đảm bảo hoạt động xuất, nhập khẩu thông suốt, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn tổ chức Hội thảo khách hàng tập trung về các xu hướng, giải pháp kết nối chuỗi cung ứng cho hàng hóa xuất nhập khẩu đặc biệt luồng hàng hóa khu vực Đông Nam Bộ với khu vực cảng Cái Mép. Đây là lần đầu tiên Tân cảng Sài Gòn tổ chức hội thảo trực tuyến với quy mô lớn. Hội thảo có sự tham gia của diễn giả từ Bộ Công Thương và Tổng Công ty (TCT) Tân Cảng Sài Gòn cùng gần 900 khách hàng tham dự trên các nền tảng.

Tại hội thảo, ông Trương Tấn Lộc - Giám đốc Marketing TCT Tân cảng Sài Gòn - trình bày chủ đề “Xu hướng phát triển hàng hoá xuất nhập khẩu thông qua khu vực cảng Cái Mép và những điều doanh nghiệp cần chuẩn bị”. Thông qua việc nêu lên thực trạng của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay: thiếu rỗng, thiếu chỗ trên tàu, giá cước tăng cao; kẹt cảng, số lượng tàu chờ, tàu trễ lịch ở các cảng lớn trên thế giới.

Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing TCT Tân cảng Sài Gòn. Ảnh: Công Hoan.

Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing TCT Tân cảng Sài Gòn. Ảnh: Công Hoan.

Điều này cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động các cảng, ICD khu vực phía Nam khi tàu trễ lịch, tàu chờ, tàu bỏ chuyến, overbooking dẫn đến tồn hàng xuất cao tại các cảng. Nguyên nhân được xác định bởi 3 yếu tố: Ảnh hưởng của dịch Covid 19, các sự cố trong ngành hàng hải và sản lượng xuất nhập khẩu toàn cầu tăng từ quý III/2020. Cùng với đó là xu hướng dịch chuyển luồng hàng hóa qua khu vực cảng Cái Mép cũng tăng trưởng mạnh qua các năm.

Giải pháp phát huy năng lực xứng đáng kì vọng

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - có phát biểu về chủ đề “Tầm nhìn phát triển các ICD ở Đông Nam Bộ kết nối với khu vực cảng Cái Mép”. Ông cho biết quy hoạch cảng biển trong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050 nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển cảng tại Việt Nam. Đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong đầu tư, khai thác cảng biển vớiphát triển hạ tầng cảng biển và hạ tầng giao thông kết nối; Đồng bộ giữa khai thác cảng biển và các dịch vụ sau cảng, tăng tính liên kết ngành, liên kết vùng trong phát triển cảng biển để góp phần sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia, giảm chi phí logistics.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương. Ảnh: Công Hoan

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương. Ảnh: Công Hoan

"Cụm cảng Cái Mép luôn được sự kì vọng rất lớn từ chính phủ với mục tiêu phát triển cụm cảng này ngang tầm khu vực vào năm 2030, cạnh tranh ngang hàng với Singapore và trở thành một đầu mối cảng biển đẳng cấp thế giới vào năm 2045. Và để đạt được mục tiêu đó, Cái Mép phải làm tốt chức năng cảng cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam", ông Trần Thanh Hải chia sẻ thêm.

Giải pháp kết nối các cảng lân cận với cảng Cái Mép

Về kết nối ICD Tân Cảng - Long Bình, ICD Tân Cảng - Nhơn Trạch với khu vực cảng Cái Mép, Bà Đỗ Thu Hường, Phó Giám đốc Marketing TCT Tân cảng Sài Gòn đưa ra những phân tích về nhu cầu thị trường của khu vực cảng Cái Mép và sản lượng trong 5 năm gần đây và dự báo thị trường tăng trưởng trong tương lại.

Bà Đỗ Thu Hường - Phó Giám đốc Marketing TCT Tân cảng Sài Gòn. Ảnh: Công Hoan

Bà Đỗ Thu Hường - Phó Giám đốc Marketing TCT Tân cảng Sài Gòn. Ảnh: Công Hoan

Qua đó đưa ra các giải pháp nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải tiến quy trình sản xuất nhằm nâng cao năng lực thông qua tại các cảng và các ICD trong hệ thống. Phát triển dịch vụ tiếp nhận, lưu giữ, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cơ sở ICD Long Bình, ICD Nhơn Trạch. Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực vận tải hàng hóa giữa các cảng, chuyển khẩu bằng đường thủy, đường bộ kết nối các cảng, ICD trong toàn bộ hệ thống TCSG. Có kế hoạch phát triển dài hạn các công trình cảng và ICD mới nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng xuất nhập khẩu trong tương lai.

Nội dung được các khách tham dự quan tâm đó là những gợi ý cho các doanh nghiệp trước bối cảnh hiện tại, diễn giả tập trung vào 3 nhóm giải pháp cho đối tượng là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hãng tàu, cảng và các ICD.

Bên cạnh đó, hội thảo cũng tạo điều kiện cho các khách hàng chia sẻ những trải nghiệm sau khi sử dụng dịch vụ từ Tân cảng Sài Gòn. Đồng thời cũng có những trao đổi và giải đáp các thắc mắc trực tiếp tới người xem trực tuyến, tạo sự thân thiện, tin tưởng tới người xem, giữ vững uy tín, nền tảng “Chất lượng dịch vụ hàng đầu, hướng tới khách hàng” của TCSG.

Cảng TCIT và TCTT tại khu vực Cái Mép - Thị Vải là các cảng nước sâu lớn nhất cả nước đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo lưu thông hàng hóa giữa Việt Nam với các thị trường lớn trên thế giới như Bắc Mỹ, Châu Âu và các quốc gia Châu Á. Dịch chuyển luồng hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp qua Khu vực cảng Cái Mép đang trở thành xu hướng của tương lai.

Đọc thêm