Chiến dịch giải phóng vỉa hè, trả lại công năng vốn có của cái lề đường diễn ra trong các thành phố lớn xem ra đã bị thất thủ trước sự xem thường pháp luật và coi nhẹ văn hóa. Nơi rầm rộ nhất, khởi sự và dẫn đầu là quận 1 TP. Hồ Chí Minh đã phải lùi bước trước sự lấn chiếm vỉa hè trở lại, có thể coi là chiến dịch đã hạ màn và phần thắng thuộc về những tư tưởng thâm căn, cố đế coi vỉa hè là chỗ mưu sinh dưới cái vỏ nhân đạo “vì người nghèo”.
Thực ra, vỉa hè là nơi kiếm sống của hàng rong nhưng đó chỉ là bề nổi và số ít so với lợi ích mà vỉa hè đem lại cho người giàu và có quyền lực “phân phối”, “chia chác” từng thước vuông vỉa hè đẻ ra tiền. Đây mới chính là thế lực đáng gờm làm cho chiến dịch giải phóng vỉa hè thất bại.
“Nội công, ngoại kích”, mặt ngoài ủng hộ, bên trong phá ngầm thì quyết tâm của một số ít người, cho dù là có quyền lực cũng khó mà chống đỡ lại được. Ý thức tuân thủ pháp luật, cái phông văn hóa ứng xử của cả “quan và dân” thể hiện rất rõ trong việc “giải phóng” và “tái chiếm” này.
Cũng là tái chiếm, một diễn biến khác tại Hải Phòng cũng cho thấy lối hành xử coi thường pháp luật. Để đòi lại đất “của công ty” người ta đã thuê một nhóm côn đồ chặt trụi cả một vườn chuối hàng nghìn cây. Nhóm này đã bị bắt giữ, đương nhiên đó là hành vi vi phạm pháp luật, có tội danh là “hủy hoại tài sản”, thử máu, có 7 người trong số đó dương tính với ma túy. Đáng nói hơn cả là sau khi được thả ra, nhóm này kéo nhau đến vườn chuối vừa bị chính họ chặt phá, thịt dê uống rượu ăn mừng “chiến tích”. Pháp luật bị coi thường và chính quyền bị “trêu ngươi” đến thế là cùng!
Tại một thành phố “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, chính ở chỗ đó, địa thế đẹp nhất đã mọc lên những ngôi biệt thự đắt tiền mà các chủ nhân của nó, không ai khác, là các cán bộ chủ chốt, quan chức thuộc hàng cao cấp nhất tỉnh này. Mọi thứ từ xây dựng đến đấu thầu, mua bán và xác lập quyền sở hữu đều “đúng quy trình”, “có tiền là mua được”, đúng như câu trả lời báo chí của một lãnh đạo tỉnh.
Cũng đúng như trên căn phố mà những căn biệt thự tọa lạc có tên là Soi Tiền. Vấn đề mà dư luận quan tâm là cánh “nô bộc” của dân này lấy tiền ở đâu ra mà lắm thế. Hơn nữa, khu đất đẹp như tranh thủy mạc này từng được quy hoạch làm công viên sau “chuyển đổi” cho đơn vị kinh doanh nhà đất phân lô, bán nền, nhà thô. Người ta sửa quy hoạch một cách dễ dàng, trong khi ở bán đảo Sơn Trà thì lại cố bám vào quy hoạch để biện minh cho sự tàn phá thiên nhiên ở đây. Phá hay giữ quy hoạch đều có lý cả, vậy chân lý ở đâu? Tuy nhiên, đó là một câu hỏi không dễ trả lời trong bối cảnh “chợ trời chân lý” này.
Bài viết nhỏ trong một sáng Chủ nhật chỉ muốn nêu lên một thực trạng rằng những hiện tượng phát sinh trong đời sống xã hội có biểu hiện coi thường phép nước, “nhờn” pháp luật và thể hiện một thứ văn hóa ứng xử hết sức kém cỏi và ngạo mạn!