Giải quyết dứt điểm nhiều vấn đề cử tri kiến nghị

(PLVN) - Vấn đề cử tri đã kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết dứt điểm tại một số kỳ họp trước, nay đã được tiếp thu xem xét, giải quyết tại kỳ họp 10 Quốc hội khoá XIV.
Nhiều vấn đề đã được cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV. Ảnh minh hoạ: yenson.gov.vn
Nhiều vấn đề đã được cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV. Ảnh minh hoạ: yenson.gov.vn

Chiều 15/3, tiếp tục phiên họp thứ 54 , Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV 

Báo cáo tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thông qua 1.050 cuộc tiếp xúc cử tri của các ĐBQH, đã có 1.904 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay có 1.810 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 95%. Đến nay, còn 94 kiến nghị (chiếm 5%) gửi đến kỳ họp thứ 10 chưa được trả lời.

Cụ thể, đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 58/58 kiến nghị, đạt 100%. Đối với TANDTC, VKSNDTC, các cơ quan này xem xét, trả lời 30/30 kiến nghị.

Đối với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tiếp nhận 1.804 kiến nghị của cử tri, đã giải quyết, trả lời 1.713 kiến nghị, đạt 95%, trong đó có 1.420 kiến nghị được giải trình, cung cấp thông tin; 134 kiến nghị đã giải quyết xong; 159 kiến nghị đang được xem xét, giải quyết.

Việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, bộ, ngành xác định là nhiệm vụ trọng tâm cùng với việc tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phát triển kinh tế, tạo việc làm, bảo đảm an ninh-trật tự, quốc phòng-an ninh.

Nhiều nguyện vọng chính đáng của cử tri được nghiên cứu, tiếp thu giải quyết đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc góp phần ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân.

Các bộ, ngành đã giải quyết, trả lời với trách nhiệm cao một khối lượng lớn kiến nghị của cử tri. Một số vấn đề liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội đã được các bộ, ngành tiếp thu, xem xét, giải quyết kịp thời.

Vấn đề cử tri đã kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết dứt điểm tại một số kỳ họp trước, nay đã được tiếp thu xem xét, giải quyết tại kỳ họp này. Như Thanh tra Chính phủ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 130 quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó quy định về người có nghĩa vụ kê khai hàng năm, việc xử lý đối với những người kê khai không trung thực... nhằm công khai, minh bạch tài sản, thu nhập để hạn chế tối đa việc xảy ra tham nhũng của những người có chức vụ, quyền hạn.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 07 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều quy định mới như: trong chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, tiêu chí thu nhập với khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị là 2 triệu đồng/người/tháng, tăng hơn 2 lần so với trước.

Một số vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm kiến nghị đang được các bộ, ngành tiếp thu khi nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật… như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Nghị định về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến lâm sản, trong đó sẽ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đảm bảo hài hòa khả năng cân đối ngân sách của nhà nước và yêu cầu thực tiễn, tạo động lực kinh tế, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng...

Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trong đó sẽ nghiên cứu, đề xuất quy định đảm bảo phù hợp với điều kiện sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Ban Dân nguyện cũng nêu lên các kiến nghị, trong đó, đề nghị các cơ quan của Quốc hội tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát những vấn đề mới phát sinh liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh, học tập... và những vấn đề bức thiết, nổi cộm được đông đảo cử tri quan tâm;

Các đoàn ĐBQH, ĐBQH nâng cao chất lượng tổng hợp, xử lý kiến nghị cử tri; tăng cường tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo lĩnh vực, đối tượng... để lấy ý kiến đóng góp có chất lượng phục vụ cho công tác giám sát, xây dựng chính sách, pháp luật.

Đối với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang kỳ họp sau.

Bộ Tư pháp được đánh giá cao về trả lời kiến nghị cử tri
Theo Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, một số Bộ, ngành trả lời đầy đủ, đúng thời hạn với số lượng lớn kiến nghị, được nhiều Đoàn ĐBQH đánh giá cao như: Bộ Quốc phòng , Bộ Kế hoạch và Đầu tư , Bộ Tư pháp ...
Một số Bộ, ngành đã tập trung chỉ đạo, tích cực nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết, đáp ứng nguyện vọng của cử tri như: trả lời của Bộ Quốc phòng về việc đầu tư, sửa chữa, nâng cấp tuyến đường từ ngã tư xã Chà Vàl đến xã Đắc Tôi, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam; trả lời của Bộ Nội vụ về cải cách thủ tục hành chính; trả lời của Bộ GTVT về đầu tư đường cao tốc Châu Đốc - Tân Châ ; trả lời của Bộ Tư pháp về xác định họ cho con của người dân tộc Khmer ...

Đọc thêm