Giải quyết khiếu nại, tố cáo 2019: Kiến nghị xử lý 597 người vi phạm

(PLVN) - Chính phủ vừa có báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019 gửi tới Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV sẽ khai mạc vào cuối tháng 10 này.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Số lượt công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị tăng 4,3%

Báo cáo cho hay, thông qua tổ chức thi hành Luật Tố cáo năm 2018 nói riêng và triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; triển khai kết luận, kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các báo cáo giám sát và sự quyết tâm, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã làm cho tình hình khiếu nại, tố cáo trên phạm vi cả nước có những chuyển biến nhất định theo hướng giảm hơn so với năm trước. 

Tuy vậy, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2019 của công dân vẫn diễn biến phức tạp; nhiều đoàn đông người và công dân của một số địa phương thường xuyên tập trung lên các cơ quan Trung ương khiếu nại, tố cáo dài ngày. 

Trên một số lĩnh vực khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp như môi trường; đất nông - lâm trường; liên quan đến quyền của người mua nhà ở một số dự án sai phép, nhà ở trong các khu nghỉ dưỡng… Đáng chú ý là một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp có quy mô lớn nhưng việc xem xét, giải quyết quyền lợi của người bị thu hồi đất chưa thấu đáo, kịp thời nên tiếp tục diễn ra rất gay gắt.

Số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, so với năm 2018, tuy tổng số đơn thư các loại (khiếu nại, tố cáo; kiến nghị, phản ánh) giảm 6,1%, số đoàn đông người giảm 0,86%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 2,8% nhưng số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tăng 4,3%. 

Về tố cáo, theo báo cáo, so với năm 2018, số đơn tố cáo giảm 11,4% nhưng tăng 3,8% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Nội dung chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ; bao che cho cấp dưới gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước; một số trường hợp người khiếu nại chuyển sang tố cáo, chủ yếu là do kết quả giải quyết khiếu nại chưa đáp ứng được nguyện vọng của người khiếu nại. 

Đã xử lý 388 người vi phạm

Về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, báo cáo cho biết, năm 2019, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 28.428 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 86,2% (khiếu nại 21.202 vụ việc, đạt 85,5%; tố cáo 7.226 vụ việc, đạt 88,3%).

Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 205,5 tỷ đồng, 24,1 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.889 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 597 người (đã xử lý 388 người), chuyển cơ quan điều tra 20 vụ, 26 đối tượng.

Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 1.640 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại 2.751 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua thanh tra phát hiện 623 đơn vị có vi phạm, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 425 tổ chức, 628 cá nhân, xử lý kỷ luật 19 tổ chức, cá nhân.

Các cơ quan thanh tra tiến hành kiểm tra việc thực hiện 469 kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra trách nhiệm; kết quả kiểm tra cho thấy các cơ quan có thẩm quyền đã kiểm điểm trách nhiệm của 222 tổ chức, 293 cá nhân, xử lý kỷ luật đối với 4 tổ chức, cá nhân.

Đánh giá chung, Chính phủ nhận định tình hình khiếu nại, tố cáo giảm so với năm 2018 trên hầu hết các chỉ tiêu cơ bản. Kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị - xã hội và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt cao (86,2%, so với mục tiêu đề ra là 85%), nhiều đơn vị có tỷ lệ giải quyết cao (trên 90%).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những tồn tại, hạn chế như vẫn còn địa phương, đơn vị chưa thực hiện tốt việc tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo, của người đứng đầu theo quy định của Luật Tiếp công dân, đặc biệt là trong các vụ việc phức tạp, khiếu nại đông người; trong quá trình giải quyết vẫn còn địa phương chưa chú trọng đúng mức tới công tác đối thoại, hình thức ban hành văn bản chưa đúng theo quy định, còn tình trạng giải quyết kéo dài quá thời hạn quy định, giải quyết chưa đúng trình tự, thủ tục, chính sách pháp luật và chưa phù hợp với thực tiễn…

Xử lý, ngăn chặn nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân 

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện nghiêm các quy định Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.

Cùng với đó, chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là trong việc ban hành, tham mưu ban hành quyết định hành chính và thực thi công vụ ở những lĩnh vực dễ xảy ra khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp; quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc nhằm củng cố niềm tin của nhân dân… 

Đọc thêm