Giải quyết kiến nghị cử tri: Giải pháp nào 'xóa' tình trạng 'đánh trống bỏ dùi'?

(PLO) -Trước thực trạng nhiều phản ánh, kiến nghị của cử tri không được giải quyết đến nơi đến chốn, dù đã được giám sát, nhiều ý kiến cho rằng cần phải đẩy mạnh hoạt động tái giám sát các kết luận giám sát. Bởi đây là biện pháp cần thiết nhằm giải quyết triệt để đối với những vấn đề đã có giám sát nhưng chậm chuyển biến.
Ảnh minh họa: Báo Quảng Ngãi
Ảnh minh họa: Báo Quảng Ngãi

Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các cử tri mới có nhiều hơn cơ hội để được giãi bày, phản ánh tới cơ quan dân cử những bức xúc, khiếu nại chưa được quan tâm thấu đáo. Và đây cũng chính là kênh thông tin quan trọng để Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và cấp chính quyền địa phương kịp thời nắm bắt, nghiên cứu, điều chỉnh việc hoạch định và thực thi chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế. 

Mặc dù đã được quan tâm nhưng do nhiều nguyên nhân, công tác giải quyết đơn thư của các cấp có thẩm quyền vẫn còn bất cập; không ít kiến nghị của cử tri được trả lời chung chung, nặng về liệt kê quy định, biện pháp, giải pháp mà không đưa ra một câu trả lời hoặc lộ trình cụ thể, gây bức xúc trong nhân dân.

Chẳng hạn, tại Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV dẫn chứng: cử tri Nghệ An, Vĩnh Phúc yêu cầu xử lý các trường hợp lạm thu tại các cơ sở giáo dục công lập và tình trạng dạy thêm, học thêm; Bộ Giáo dục và Đào tạo lại trả lời: “Bộ đã chấn chỉnh các cơ sở giáo dục thực hiện thu, chi chưa đúng quy định, chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra; tăng cường quản lý giáo viên...”. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trả lời như vậy là quá chung chung, không rõ đã chấn chỉnh thế nào? Kết quả ra sao? Tăng cường quản lý giáo viên là nội dung gì?.

Không chỉ vậy, tại các kỳ họp Quốc hội, vẫn còn một vài bộ, ngành chậm trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri nên phần nào cũng ảnh hưởng đến chất lượng đánh giá, giám sát việc trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri tại các kỳ họp Quốc hội. Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, việc giải quyết khiếu, nại tố cáo cũng như phản ánh về tham nhũng, lãng phí còn bất cập, cử tri nhiều tỉnh, thành phố cho rằng, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhưng số vụ việc phát hiện, xử lý còn chưa tương xứng với tình hình mà cử tri phản ánh; xử lý hành chính, kỷ luật nội bộ còn nhiều...Hiện tượng người dân phải “lót tay” để giải quyết công việc  còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành, trong phạm vi rộng, diễn biến phức tạp. 

Để việc giải quyết kiến nghị của cử tri có hiệu quả hơn, nhiều ý kiến đề nghị cần đẩy mạnh hoạt động giám sát của UBTVQH, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội và các Đoàn ĐBQH.  Không chỉ vậy, nhằm tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, các văn bản pháp luật phải tạo cơ chế thuận lợi cho ĐBQH, thông qua đoàn ĐBQH theo dõi, đôn đốc các cơ quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết triệt để kiến nghị của cử tri. Song song với đó là đa dạng hóa các hình thức, phương thức giám sát, kết hợp giữa giám sát qua nghe báo cáo của các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát với việc khảo sát, giám sát thực tế tại cơ sở. Đặc biệt, trong công tác giám sát phải có sự so sánh, đối chiếu giữa các thông tin trong báo cáo của đơn vị được giám sát với những tư liệu thu thập được để có sự đánh giá, đề xuất một cách trung thực, khách quan.

Nhưng chỉ giám sát thôi thì chưa đủ. Bởi vậy, tái giám sát các kết luận giám sát cũng phải trở thành hoạt động thường xuyên của của các cơ quan dân cử. “Có những nội dung, vấn đề cần thiết phải tái giám sát, bởi đã có cam kết, giải pháp giải quyết rồi nhưng nếu không đôn đốc, thậm chí tái giám sát thì hiệu quả không cao.”- ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.

Cùng quan điểm này, luật sư Lê Thiên, Giám đốc Công ty Luật Lê và Liên danh cho rằng: “Các cơ quan chức năng phải tăng cường tái giám sát. Tái giám sát nhằm mục đích gì? Đó là để kiểm tra lại những kiến nghị được trả lời đã đúng và rõ chưa, nếu chưa thì tiếp tục đề nghị bổ sung cho đầy đủ. Thậm chí, dù đã đúng và đầy đủ rồi nhưng nếu chưa được thực hiện thì hoạt động tái giám sát chính là để thúc đẩy nhanh quá trình đưa những kết luận đó vào thực tiễn”. 

Đọc thêm