Nhiều bất cập!
Báo cáo tại Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì cho biết, mặc dù pháp luật và cam kết quốc tế của Việt Nam về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế (ĐTQT) tại tòa án, trọng tài trong nước đã được quy định trong nhiều văn bản luật như Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 (BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011); Luật Đầu tư 2015; Luật Trọng tài thương mại 2010; Hiệp định song phương về khuyến khích, bảo hộ đầu tư (BIT); Hiệp định Thương mại tự do (FTA)…nhưng cho đến nay, các vụ tranh chấp ĐTQT vẫn ít được đưa ra giải quyết tại Tòa án Việt Nam và Trọng tài Việt Nam.
“Về mặt khách quan, bất cứ nhà đầu tư nước ngoài nào khi cân nhắc đưa vụ việc tranh chấp ra tòa án của quốc gia tiếp nhận đầu tư cũng quan ngại tòa án đó sẽ thiên vị Chính phủ, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân của quốc gia tiếp nhận đầu tư đó và nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng có tâm lý như vậy. Đó chính là nguyên nhân của thực trạng trên”- Luật sư Vũ Ánh Dương, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phân tích.
Hiện pháp luật về giải pháp tranh chấp ĐTQT tại Tòa án Việt Nam, đặc biệt BLTTDS chưa đảm bảo thuận tiện, rõ ràng trong thủ tục tố tụng đối với các vụ việc có yếu tố nước ngoài để khuyến khích các nhà đầu tư lựa chọn đưa vụ việc tranh chấp ra giải quyết tại tòa án.
Đơn cử, theo Điều 410 BLTTDS, Tòa án Việt Nam không có thẩm quyền giải quyết các vụ việc đầu tư quốc tế mà nguyên đơn là công dân Việt Nam khởi kiện bị đơn là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân không sinh sống hoặc không có tài sản ở Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài không có trụ sở, văn phòng, chi nhánh tại Việt Nam.
Vì thế, khi có tranh chấp, Tòa án Việt Nam không có quy định trực tiếp để áp dụng (bất cập này hiện đã được đề xuất trong Dự thảo BLTTDS sửa đổi). Ngoài ra, về thẩm quyền theo lãnh thổ, thời hạn giải quyết ĐTQT, giao nộp chứng cứ của các bên đương sự… cũng không được luật quy định rõ ràng.
Bên cạnh đó, trình độ của một số thẩm phán, cán bộ tòa án am hiểu về pháp luật quốc tế, giải quyết tranh chấp ĐTQT không nhiều; tỉ lệ hủy phán quyết trọng tài, từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài còn cao. Đội ngũ trọng tài viên của Việt Nam còn thiếu những người có uy tín, có tầm quốc tế và khu vực…
Chính bởi vậy, tranh chấp giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có rất ít vụ được giải quyết tại Trọng tài Việt Nam. Riêng tranh chấp giữa nhà đầu tư và Chính phủ Việt Nam thì Trọng tài Việt Nam chưa thụ lý vụ nào vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu nhà đầu tư nước ngoài e ngại “không khách quan” khi bị đơn là Chính phủ.
Phải xây dựng đội ngũ thẩm phán chuyên nghiệp
Trước những bất cập trên, nhiều đại biểu khác kiến nghị cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 92- KL/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nhằm tăng cường hiệu quả và hiệu lực trong giải quyết tranh chấp của tòa án trong nước.
Hiện BLTTDS đang trong quá trình hoàn thiện, chỉnh lý để trình Quốc hội thông qua trong Kỳ họp thứ 10 sắp tới, trong đó có những sửa đổi mạnh mẽ liên quan đến thủ tục tố tụng đối với các vụ việc dân sự, thương mại đầu tư có yếu tố nước ngoài. Do đó, cơ quan nhà nước cần rà soát cụ thể các quy định sửa đổi một lần nữa theo hướng khắc phục những bất cập trong lĩnh vực này.
Các đại biểu cũng cho rằng không nên tổ chức Tòa Kinh tế trong cơ cấu tổ chức của TAND các tỉnh và phải xây dựng đội ngũ thẩm phán của Tòa Kinh tế theo tiêu chí chuyên nghiệp. Khi tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán cần có các chuyên gia về lĩnh vực pháp luật đầu tư và các lĩnh vực pháp luật khác có liên quan từ các bộ, ngành liên quan, bao gồm Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giảng dạy để giúp thẩm phán nắm bắt thêm kiến thức pháp luật thương mại, đầu tư.
Đối với Trọng tài Việt Nam, theo LS Dương Quang Long, Cty Luật Leadco và Cộng sự, tới đây cần sửa đổi các nội dung liên quan đến BLTTDS để phù hợp với Công ước New York năm 1958 về công nhận cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài. Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác quốc tế về giải quyết tranh chấp đầu tư, tăng cường đào tạo kiến thức, kỹ năng về trọng tài, khuyến khích xuất bản những ấn phẩm học thuật, tổng kết thực tiễn về trọng tài trong nước và xây dựng cơ chế giám đốc thẩm quyết định hủy phán quyết trọng tài.