Giải quyết triệt để nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công tại Hà Nội

(PLVN) - Lãnh đạo TP Hà Nội nêu rõ, kết quả giải ngân vốn đầu tư công sẽ là một trong các tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 2023 của cơ quan, đơn vị, địa phương. TP cũng sẽ xem xét, đánh giá người đứng đầu và các tổ chức, cá nhân liên quan có những khuyết điểm, để xảy ra tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Ảnh minh họa: Phối cảnh nút giao đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô với Đại lộ Thăng Long.
Ảnh minh họa: Phối cảnh nút giao đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô với Đại lộ Thăng Long.

Cứ 1% không giải ngân được, TP “mất” 500 tỷ đồng

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân, đến hết ngày 15/9, lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 của toàn TP là 22.876 tỷ đồng, đạt 43,1% kế hoạch TP giao và đạt 48,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tỷ lệ giải ngân của TP các tháng vừa qua đều cao hơn trung bình của của nước. Lũy kế giải ngân đến ngày 20/9 đạt 50% kế hoạch Trung ương giao, cao hơn so với lũy kế giải ngân ngày 30/9/2022 của TP và xấp xỉ bằng ước lũy kế giải ngân trung bình của cả nước đến hết tháng 9/2023.

Nêu một số khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công trên địa bàn TP, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, vướng mắc chủ yếu là về công tác giải phóng mặt bằng.

Hiện TP có 99 dự án ngân sách cấp TP; 47 dự án ngân sách TP hỗ trợ mục tiêu cấp huyện và 147 dự án ngân sách cấp huyện có khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng.

322 dự án ngân sách cấp huyện có khó khăn về nguồn vốn đầu tư với. Ngoài ra, một số dự án gặp khó khăn trong công tác tái định cư, thanh lý tài sản, điều chỉnh dự án.

Theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu, cứ 1% không giải ngân được, TP phải chuyển nguồn sang năm tiếp theo khoảng 500 tỷ đồng; 10% không giải ngân được, “mất” 5.000 tỷ đồng.

Do đó, các cấp, các ngành cần cố gắng hơn nữa để giải ngân đạt mức cao nhất. Ông Nguyễn Xuân Lưu cũng lưu ý các địa phương giải quyết tốt các kiến nghị kiểm toán để quyết toán xong các dự án có cơ sở tiếp tục bố trí vốn đầu tư công cho năm tiếp theo.

Để đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP những tháng cuối năm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân đề nghị TP tiếp tục chỉ đạo các sở Tài chính, Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổng hợp số liệu liên quan đến khả năng đấu thầu, đấu giá của 30 quận, huyện, thị xã từ nguồn thu từ đất.

Các Sở chuyên ngành tham mưu UBND TP giải quyết dứt điểm, đặc biệt khó khăn vướng mắc về giải phóng mặt bằng; rà soát việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, di tích và các dự án trường THPT theo phân cấp báo cáo, đề xuất tham mưu phương án giải quyết đảm bảo hoàn thành các dự án, không để thiếu vốn làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của TP.

Giải quyết triệt để nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công

Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, TP Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành 95% kế hoạch giải ngân trong năm nay.

Tuy nhiên, với kết quả hiện nay, để đạt mục tiêu nói trên, từ nay đến cuối năm, khối lượng giải ngân của TP rất nhiều và nặng, đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của các sở, ban, ngành, địa phương.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND TP xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để tháo gỡ từng dạng khó khăn, vướng mắc và đối với từng dự án cụ thể. Trong đó, số dự án vướng mắc về giải phóng mặt bằng khá lớn, cần có chuyên đề để phân tích cụ thể tập trung tháo gỡ.

Ban quản lý dự án, các quận, huyện, thị xã phải coi việc giải ngân vốn đầu tư công là cơ hội để phát triển của địa phương. Đồng thời, quan tâm chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công năm 2024.

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc cũng lưu ý, các quận, huyện, thị xã tiến hành tổng kết, rà soát lại một cách chi tiết các chủ trương đầu tư để báo cáo trong kỳ họp HĐND TP cuối năm.

Phát biểu tại hội nghị giao ban trực tuyến quý III/2023 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã mới đây, để tăng cường, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị xác định rõ nguyên nhân cốt lõi, vướng mắc thực chất trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công để có giải pháp trúng và đúng, và phải được giải quyết triệt để.

Bà Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp, các ngành của TP tiếp tục siết mạnh kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023 trên tất cả các ngành, các lĩnh vực, các địa phương, các cấp quản lý.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công sẽ là một trong các tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 2023 của cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như xem xét, đánh giá người đứng đầu và các tổ chức, cá nhân liên quan có những khuyết điểm, để xảy ra tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Trong những tháng cuối năm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị Ban Cán sự đảng UBND TP khẩn trương rà soát, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công đảm bảo đạt mức bình quân chung của cả nước.

Các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan đơn vị của TP cần tiếp tục phát huy tính chủ động và quyết liệt, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm xử lý, đặc biệt các khó khăn về giải phóng mặt bằng; xây dựng các phương án, biện pháp phù hợp để tổ chức đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, đảm bảo nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ của TP và địa phương.

Lãnh đạo TP Hà Nội giao Ban Tổ chức Thành ủy TP phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND TP và các đơn vị liên quan tổng hợp danh sách các đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt thấp; xác định nguyên nhân, trách nhiệm chủ quan và đề xuất với Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu và các tổ chức, cá nhân liên quan có những khuyết điểm, để xảy ra tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo đúng tinh thần Chỉ thị số 24-CT/TU.

Tại kỳ họp thứ 13, HĐND TP Hà Nội khóa XVI diễn ra ngày 22/9, HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công cấp TP năm 2023, theo đó quyết nghị bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là 4.200 tỷ đồng từ nguồn thưởng vượt thu năm 2022. Đồng thời, HĐND TP Hà Nội cũng thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư của 30 dự án, tổng mức đầu tư dự kiến 15.085 tỷ đồng; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư của 4 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến là 12.446 tỷ đồng.

Đọc thêm