Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ngày 26/7 tham vấn các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học và thảo luận về các giải pháp để tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Một trong các giải pháp được các chuyên gia kinh tế đề xuất với Thủ tướng là nâng tổng cầu và xử lý triệt để nợ xấu.
Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức ra mắt Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tại Hà Nội. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, dự kiến trong năm nay, VAMC có thể góp phần giải quyết được từ 40.000 - 70.000 tỷ đồng nợ xấu.
Hình minh họa |
Nợ xấu trên 3% sẽ bắt buộc phải mua bán nợ với VAMC
Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam là doanh nghiệp đặc thù do Nhà nước sở hữu 100% vốn, chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Công ty có số vốn điều lệ 500 tỷ đồng và hoạt động theo nguyên tắc lấy thu bù chi, không vì mục tiêu lợi nhuận; công khai, minh bạch; hạn chế rủi ro và chi phí trong xử lý nợ xấu.
Các hoạt động chính của Công ty Quản lý tài sản bao gồm: Mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng; thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm; cơ cấu lại khoản nợ, điều chỉnh điều kiện trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần của khách hàng vay; đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, khai thác, sử dụng, cho thuê tài sản bảo đảm đã được Công ty Quản lý tài sản thu nợ...
Trụ sở chính của VAMC đặt tại số 22 phố Hàng Vôi, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Các chi nhánh và văn phòng đại diện của VAMC sẽ được thành lập tại một số tỉnh, thành phố lớn dựa trên nhu cầu hoạt động và chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo quy định tại Nghị định 53 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), những tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% sẽ bắt buộc phải tham gia mua bán nợ với VAMC. Sau khi mua các khoản nợ từ các tổ chức tín dụng, VAMC thực hiện điều chỉnh lãi suất của các khoản nợ chỉnh mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản nợ đã mua về mức không cao hơn mức lãi suất cho vay bình quân tương ứng theo từng kỳ hạn của các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.
Nợ xấu thực sự là bao nhiêu?
“Hiến kế” cho Thủ tướng về giải pháp tiếp tục thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khẳng định: “Kinh nghiệm các nước cho thấy chỉ có phá băng tín dụng mới giúp phục hồi DN và phục hồi nền kinh tế”.
Hai giải pháp quan trọng mà ông Lê Xuân Nghĩa đưa ra là nâng tổng cầu và xử lý triệt để nợ xấu. Với những DN vẫn còn nợ xấu mà không tiếp cận được vốn thì ngân hàng cần có cách xử lý linh hoạt hơn.
Trước đó, phát biểu tại diễn đàn Quốc hội về tình hình nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong thời gian vừa qua toàn hệ thống ngân hàng đã rất tích cực tham gia vào việc quản lý nợ xấu thông qua nhiều giải pháp khác nhau.
Thứ nhất, hệ thống ngân hàng đã tích cực tham gia vào việc cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp. Chỉ sau gần 1 năm thực hiện, từ tháng 4/ 2012 đến tháng 5/2013, tổng số nợ ngân hàng đã cơ cấu lại cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp đã lên tới 284 nghìn tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 10% của tổng dư nợ.
Thứ hai, hệ thống ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro. Năm 2012, tổng số nợ xấu được xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro xấp xỉ 70 nghìn tỷ. Trong 4 tháng đầu năm 2013, tiếp tục xử lý bằng nguồn này được 7,5 ngàn tỷ và tiếp tục trích lập dự phòng được 68 nghìn tỷ. Từ nay đến cuối năm, NHNN tiếp tục xử lý nợ xấu bằng nguồn này.
VAMC là một trong những “nguồn hy vọng” của Thống đốc Ngân hàng trong việc tìm giải pháp góp phần xử lý nợ xấu. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, theo dự kiến của NHNN, trong năm nay VAMC sẽ có thể góp phần vào việc giải quyết từ 40.000 - 70.000 tỷ đồng nợ xấu.
Nhưng muốn giải quyết triệt để nợ xấu, cần thiết phải có số liệu chính xác về tình hình nợ xấu. Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh đã 2 lần yêu cầu Chính phủ công bố số liệu chính xác về tình hình nợ xấu để các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế “biết đường” tư vấn cho Chính phủ. Đại biểu Khánh cho rằng, cứ nói nguy cơ nợ xấu thế này, nguy cơ nợ xấu thế khác như thực sự nó là gì, ở đâu thì Chính phủ phải có số liệu cụ thể.
Tuy nhiên, số liệu thực sự về tình hình nợ xấu hiện nay vẫn đang là dấu hỏi. NHNN đang dựa trên hai nguồn số liệu khác nhau để giám sát tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), bao gồm số liệu nợ xấu do các TCTD báo cáo và số liệu nợ xấu theo kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. Thông thường, số liệu nợ xấu theo kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cao hơn và đáng tin cậy hơn so với số liệu nợ xấu do các TCTD báo cáo.
Phó Tổng Kiểm toán Lê Minh Khái cho biết, năm 2013, Kiểm toán Nhà nước sẽ đi sâu vào kiểm toán nợ xấu đối với 3 ngân hàng quốc doanh lớn. Phó Tổng Kiểm toán cũng khẳng định, với số liệu công bố hiện nay, con số nợ xấu rất khác nhau nên các suy diễn qua đó cũng khác nhau.
Thông thường, ở các nước, số nợ xấu thể hiện khoảng 1% trên tổng dư nợ đã bị coi là nhiều, đến 2% là báo động, 3% là trường hợp ngoại lệ. Trong khi đó, theo Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến hết tháng 5, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng ở mức 4,65%. Đây là số liệu tổng hợp từ báo cáo của 124 tổ chức tín dụng trong nước. Trong đó, có khoảng 30/124 tổ chức tín dụng khai báo tỷ lệ nợ xấu của mình ở mức trên 3%, chiếm khoảng 1/4 số lượng tổ chức tín dụng hiện nay.
Lan Phương