Giải thưởng tôn vinh những nhà báo dám dấn thân

(PLO) - Đến hẹn lại lên, đúng ngày 21/6 hàng năm, Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia được diễn ra. Đây là dịp để những người làm báo trên mọi miền Tổ quốc tạm gác lại những công việc tất bật thường ngày của nghề để cùng nhau tụ hội ở Thủ đô Hà Nội, chia sẻ niềm vui sau một năm cố gắng, nỗ lực với nghề. 
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư  Võ Văn Thưởng  trao Giải B cho các tác giả đoạt giải.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng trao Giải B cho các tác giả đoạt giải.

Dẫu biết, nghề báo là nghề vất vả với những hiểm nguy, có những người đã hy sinh tính mạng để cho ra những thước phim, những dòng tin, những bức ảnh phản ánh sinh động cuộc sống hiện thực hay vạch trần những mảng tối tiêu cực trong cuộc sống; nhưng với đội ngũ những người làm báo sau những vất vả đó vẫn là những nhiệt huyết, lòng yêu nghề đầy đam mê mà khó thứ gì có thể đánh đổi được. 

Sự kiện lớn của giới báo chí cả nước 

Nếu tính Giải Báo chí toàn quốc từ năm 1991 do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, báo chí Việt Nam đã có một giải báo chí lớn tổ chức hàng năm trong 27 năm liên tục, thu hút sự quan tâm của báo giới và của cả công chúng. Mỗi một mùa giải đi qua được xem là quãng thời gian để Giải Báo chí tự khẳng định mình. 

Trên thực tế Giải Báo chí Quốc gia đã và đang thực hiện đúng mục đích, yêu cầu đề ra. Đây là một sự kiện lớn của giới báo chí cả nước, nhằm tôn vinh tinh thần lao động, sáng tạo của đội ngũ những người làm báo, những tác giả, nhóm tác giả, tác phẩm xuất sắc nhất, có chất lượng cao về tư tưởng, chính trị, nội dung và hình thức thể hiện.

Giải Báo chí Quốc gia đã kích thích sự tìm tòi, lao động sáng tạo, lòng dũng cảm và công sức đầu tư điều tra, tìm hiểu cho những đề tài, vấn đề phức tạp đang diễn ra. Sau mỗi mùa giải, qua các tác phẩm đoạt giải cao, công chúng báo chí, cơ quan quản lý một lần nữa nhìn rõ hơn về những khoảng tối, góc khuất của cuộc sống, thấy rõ hơn sự đóng góp to lớn của báo chí cho một xã hội công bằng, văn minh. 

Đặc biệt, số lượng tác phẩm báo chí tham dự giải năm nay đã sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin phát triển ngày càng nhiều. Điều này không chỉ được thể hiện ở báo mạng điện tử, báo phát thanh, báo truyền hình mà cả ở báo in. Từ đó có thể thấy dấu hiệu tích cực của cách mạng 4.0 trong nền báo chí hiện nay.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia năm 2017, Nhà báo Thuận Hữu cho biết: Giải Báo chí Quốc gia năm nay tiếp tục được tổ chức nghiêm túc, có chất lượng, ngày càng chuyên nghiệp. Đặc biệt, năm nay lần đầu tiên tất cả 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố đều tham dự Giải, khẳng định uy tín và sức thu hút cao của Giải. 

“Số tác phẩm đoạt giải của báo chí địa phương chiếm gần 50%. Tuy chưa có những tác phẩm thực sự gây tiếng vang lớn, nhưng đây là những tác phẩm tiêu biểu, tập trung phản ánh những vấn đề lớn của đất nước. Nhiều tác phẩm có tính phát hiện, tính phản biện, tính chiến đấu, tính nhân văn, có sức lan tỏa và hiệu ứng xã hội tích cực, được đầu tư bài bản. Các tác phẩm cho thấy công sức, trí tuệ, ý thức trách nhiệm, sự dấn thân, lòng yêu nghề và cách thể hiện đầy sáng tạo của các nhà báo,...”, ông Thuận Hữu chia sẻ.

Những người dám dấn thân  

Trong số các tác phẩm đạt giải, nhiều tác phẩm đi sâu phân tích những vấn đề thời sự, giới thiệu những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, những vấn đề kinh tế, văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công tác khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đấu tranh với các thế lực thù địch, các hoạt động sai trái chống phá Đảng, Nhà nước; vấn đề phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về cách mạng công nghiệp 4.0 và sự tác động tới các mặt của đời sống xã hội.

Tác phẩm đoạt giải B “Đưa người chết vào quan tài” của nhóm tác giả của Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa, nói về hủ tục lạc hậu để người chết hàng tuần gây ô nhiễm môi trường của đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa. Qua tác phẩm đó cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng địa phương, những người dân có hiểu biết hơn, họ đã cùng vận động hiệu quả đưa người chết vào quan tài. Đây được xem là “cuộc chiến” về tư tưởng đối với người dân địa phương nơi đây. 

Nhà báo Lê Văn Tiến Dũng, đại diện nhóm tác giả cho biết: “Để có được tác phẩm này, nhóm tác giả phải ấp ủ ý tưởng và theo đuổi gần chục năm. Đề tài thực hiện trên địa bàn huyện Mường Lát xa xôi, các nhà báo gặp không ít khó khăn. Có thời điểm tưởng như đổ vỡ nhưng với sự nỗ lực, đồng lòng của ê kíp tác giả, tác phẩm đã gặt hái được thành công, đem lại niềm tự hào cho những người làm báo xứ Thanh”.

Bám sát đời sống người dân vùng cao, tác phẩm “ Những mảnh vỡ không màu” của nhóm tác giả Huyền Trang, Văn Phước, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Giang đạt giải C trong mùa giải năm nay. 

Chia sẻ về quá trình tác nghiệp, tác giả Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết: “Thuận lợi của những người làm báo cơ sở là luôn nhận được sự quan tâm lớn từ phía chính quyền, từ phía cơ sở, tuy nhiên quãng đường đi xa xôi, hiểm trở, phương tiện tác nghiệp không đầy đủ, kinh phí sản xuất gần như không có. Mặc dù vậy, tôi nghĩ rằng một nhà báo muốn phản ánh cuộc sống, muốn đưa những vấn đề nóng ra ngoài công chúng thì dù là báo Trung ương hay báo địa phương, mỗi phóng viên, nhà báo sẽ tự tìm những cách tốt nhất cho mình để thực hiện tác phẩm”. 

Vẫn lời nhà báo Huyền Trang: “Sống cùng đồng bào ở chính nơi mảnh đất mà chúng tôi sinh ra, chúng tôi cảm nhận rất rõ sự nghèo đói của bà con nơi đây. Do đó, tác phẩm của chúng tôi phản ánh những góc khuất của cuộc sống vùng cao, những em bé bị mẹ bỏ rơi khi mẹ chúng vượt biên sang Trung Quốc, lấy chồng và ở hẳn bên đó. Với tác phẩm đạt giải này chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn từ việc đầu tiên là tiếp xúc làm quen với nhân vật bởi người dân tộc thường ít cởi mở, do đó chúng tôi phải mất nửa tháng mới có thể làm quen được với nhân vật”. 

Nhà báo Huyền Trang trăn trở: “Được giải thưởng Giải Báo chí Quốc gia như này là ước mơ của những người làm nghề, nhưng khi đạt giải bản thân tôi cảm nhận thấy sẽ có thêm đôi chút áp lực trong nghề, tức mình đã đạt được một mức độ nào đó rồi thì phải làm thế nào để tiếp tục đem những vấn đề cuộc sống ở nơi địa đầu Tổ quốc đến với độc giả nhiều hơn nữa. Đó vừa là trách nhiệm của những nhà báo, vừa là trách nhiệm thuộc về phương diện nghề để phản ánh được hay nhất, sinh động nhất”. 

Cùng vấn đề cuộc sống của trẻ em nhưng ở một góc tiếp cận khác, phóng viên Đức Mạnh (Ban Chuyên đề Đài Truyền hình TP HCM, cùng đồng nghiệp đạt giải C, Giải Báo chí Quốc gia với tác phẩm “Góc nhìn HTV: Xâm hại tình dục trẻ em”) chia sẻ: “Với chương trình này chúng tôi tận dụng tối đa những phương tiện hiện đại nhất của truyền thông đa phương tiện như khi chương trình trực tiếp trên HTV thì đồng thời cùng lúc đó chúng tôi live stream trên facebook, nhận những câu hỏi tương tác với khán giả và đặt câu hỏi cho luật sư, tất cả những nhân vật tham gia chương trình, đồng thời live trên kênh yotube của đài. Chúng tôi tận dụng tất cả những kênh tương tác của truyền thông hiện đại để đưa chương trình đến gần hơn với khán giả, cho câu chuyện mà chúng tôi đề cập đến với cuộc sống nhiều hơn”. 

“Để cho chương trình này của HTV lên được sóng, chúng tôi phải đấu tranh rất nhiều với Ban Biên tập của đài, đấu tranh rất nhiều để thuyết phục các nhân vật là nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục để  họ đồng ý tham gia chương trình của chúng tôi. Có những người họ giấu câu chuyện của mình mười mấy năm, họ bị chính người thân trong gia đình của họ xâm hại tình dục, mười mấy năm họ không dám bước ra ngoài ánh sáng, họ không dám nói nhưng qua chương trình họ nói lên tiếng nói của họ.  Chúng tôi rất vui vì góp một phần tiếng nói của mình với thực trạng này, cho tới bây giờ một số nhân vật là phạm nhân trong những vụ xâm hại tình dục này đã hầu tòa, đó là một trong những tín hiệu tích cực cho thấy hiệu quả của báo chí tác động như thế nào đến vấn đề nóng của xã hội”. 

Đọc thêm