Giảm phí để kích thích tiêu dùng
Ngày 29/5/2020, Chính phủ đã có Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Liên quan đến giảm một số loại thuế, lệ phí, Nghị quyết nêu rõ: Giảm 50% lệ phí trước bạ (LPTB) khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước. Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3/2020; thời gian gia hạn không muộn hơn thời điểm ngày 31/12/2020. Nghiên cứu sửa đổi quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước…
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, đề xuất việc miễn, giảm các loại phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp do tác động của dịch bệnh Covid-19. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Người mua xe mừng hụt
Trước khi Nghị quyết 84/NQ-CP được ban hành, thông tin về việc Chính phủ có thể giảm LPTB khiến khách hàng có tâm lý chờ đợi bởi họ có thể giảm chi phí được từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng khi mua xe.
Báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, trong tháng 4/2020, doanh số bán hàng của toàn thị trường chỉ đạt 11.761 xe, giảm 39% so với tháng 3/2020 và giảm 44% so với tháng 4/2019.
Ngay sau khi Nghị quyết được thông qua, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam đã có thông báo, bắt đầu từ ngày 01/06 đến 30/06/2020, khách hàng hoàn tất thủ tục thanh toán 100% tại các đại lý Toyota trên toàn quốc khi mua xe Fortuner 2.4 AT 4x2 (FK), Fortuner 2.4 MT 4x2 (FG) sản xuất trong nước sẽ được hỗ trợ một phần LPTB.
Hãng xe này cũng không nói rõ “một phần” LPTB là bao nhiêu, có trùng với 50% LPTB được Chính phủ giảm hay không…, nhưng những thông tin này khiến những người có ý định mua xe thêm phấn khởi.
Một số đại lý cũng nhân thông tin Chính phủ giảm 50% LPTB cũng đã âm thầm rút bớt các khuyến mại với lý do bù lỗ vì trước đó họ đã phải giảm giá mạnh, tặng ưu đãi khủng để tăng doanh số và lôi kéo khách hàng…
Tuy nhiên, việc giảm 50% LPTB vẫn chỉ là thông tin “trên giấy” bởi các đại lý cho biết, do chưa có hướng dẫn nên họ không biết viết hóa đơn như thế nào.
Trao đổi với PLVN, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, Nghị quyết của Chính phủ không phải văn bản pháp quy, muốn thực hiện được Chính phủ phải ban hành Nghị định. Theo Nghị quyết, Bộ Tài chính sẽ phải soạn thảo Dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành.
Trao đổi với báo chí, đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết cơ quan này đang trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định về việc giảm LPTB cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc giảm LPTB khi mua ô tô lắp ráp trong nước. Theo lộ trình, sau khi Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo, còn phải xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và Bộ Tư pháp sẽ thẩm định trước khi trình Chính phủ. Tiếp đó sẽ trình xin ý kiến các thành viên Chính phủ để trình Chính phủ ban hành…
Theo Nghị quyết 84/NQ-CP, việc giảm 50% LPTB khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước chỉ thực hiện đến hết năm 2020.
“Như vậy, đợi đến khi Nghị định được ban hành, thời gian được hưởng ưu đãi giảm 50% LPTB không đáng là bao nhiêu. Liệu các ưu đãi này có ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta cần phải nhanh, quyết liệt hơn trong trạng thái bình thường mới hậu Covid-19?” - TS Cung đặt vấn đề.
Trả lời báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2/6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, để giảm 50% LPTB, Chính phủ phải ban hành Nghị định. Nghị quyết 84/NQ-CP cũng đã cho phép các văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy trình, thủ tục rút gọn.
Không đưa ra mốc thời gian trình Dự thảo Nghị quyết lên Chính phủ, Thứ trưởng Mai cho biết, Bộ này sẽ cố gắng tối đa để có thể trình Chính phủ sớm nhất.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, mục tiêu của việc giảm 50% LPTB là nhằm kích cầu tiêu dùng nên quan điểm của Bộ là kích cầu tiêu dùng bắt đầu từ thời điểm ban hành chính sách. “Không nên hồi tố bởi hồi tố có nghĩa là phải trả lại tiền LPTB cho những người đã mua rồi, rất phức tạp, không hợp lý và cũng không có tác dụng kích cầu”, bà Mai nói.