Giảm “dấu chân carbon” trong nông nghiệp

(PLVN) -Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, đồng thời cũng là ngành gây phát thải khí nhà kính khổng lồ, làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu. Thực tế này đòi hỏi cần có những mô hình giảm phát thải, phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp.
Trang trại sử dụng hệ thống điện mặt trời củaVinamilk. (Nguồn: Vinamilk).

Nhiều sáng kiến độc đáo ra đời…

Tháng 8/2023, lần đầu tiên Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn giới thiệu mô hình về một hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để theo dõi xuất xứ và “dấu chân carbon” của từng trái thanh long sản xuất tại Bình Thuận. Hiểu đơn giản, “dấu chân carbon” là tổng lượng phát thải khí nhà kính đến từ quá trình sản xuất, sử dụng và cuối vòng đời của một sản phẩm hoặc dịch vụ. Hệ thống nêu trên giúp người tiêu dùng trong nước và quốc tế khi mua hoặc nhập khẩu thanh long sản xuất tại Bình Thuận có thể truy xuất nguồn gốc trái cây và mức độ thực hành “xanh” hoặc thân thiện với môi trường.

Theo đó, các thiết bị thông minh tự động đo lượng phát thải khí carbon lắp đặt tại từng vườn trồng ở cả 4 phương thức canh tác: GlobalGap, Hữu cơ, VietGap và truyền thống. Tiếp đó, dữ liệu cập nhật lên không gian mạng cho phép theo dõi và thống kê dấu chân carbon theo thời gian thực. Không chỉ vậy, công nghệ này còn phân tích để đưa ra các giải pháp giảm phát thải carbon trong sản xuất, vận chuyển nông sản.

Nổi bật như giải pháp cải thiện hiệu quả sử dụng điện chiếu sáng - chuyển từ bóng Compact sang đèn Led giúp giảm tới 68% lượng phát thải từ sử dụng điện năng. Hay trồng xen cây thân gỗ tại các bờ bao, đường ranh giới, các khoảng trống. Ước tính trồng 100 - 300 cây/ha, trung bình năm hấp thụ 0,9 - 2,8 tấn CO2/ha/năm, tương đương giảm 20 - 45% lượng phát thải tại trang trại.

Ngoài thanh long, hệ thống truy xuất nguồn gốc carbon số hóa đã thiết lập trên cả tôm. Đây là hai trong số các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam. Rõ ràng, trong bối cảnh chuyển đổi xanh ngành nông nghiệp, các mô hình truy vết dấu chân carbon trong nông nghiệp sẽ là một công cụ quan trọng để các nhà sản xuất và doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam theo dõi và quản lý mức độ phát thải khí nhà kính của chuỗi cung ứng và tránh những rào cản không cần thiết khi xuất khẩu sang các thị trường giá trị cao, thường là nơi đang tiến tới áp dụng cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới.

Cũng liên quan đến vấn đề khai thác các nền tảng kỹ thuật số để giám sát và theo dõi dấu chân carbon, ứng dụng Rice Hero đã ra mắt và giới thiệu là ứng dụng điện thoại đầu tiên tại Việt Nam giúp theo dõi lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình canh tác, thu hoạch và chế biến lúa. Rice Hero được giới thiệu là công cụ xác định lượng phát thải khí nhà kính (quy đổi carbon tương đương) cho các công đoạn của quá trình sản xuất lúa gạo tại Việt Nam. Cơ sở xây dựng ứng dụng là lượng phát thải khí nhà kính (tính theo lượng CO2 tương đương) tính toán dựa trên công thức theo hướng dẫn của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC).

Tất cả những dữ liệu này sẽ được xử lý trên công nghệ điện toán đám mây, cung cấp các thông tin hữu ích như bản đồ phát thải theo khu vực, biểu đồ so sánh lượng phát thải giữa các khu vực, hoặc so sánh với các tiêu chuẩn được thiết lập sẵn và đưa ra báo cáo chi tiết tới từng hộ sản xuất. Ngoài ra, Rice Hero còn có những tính năng khác hỗ trợ cho người sản xuất và kinh doanh lúa gạo, như dự báo thời tiết, cung cấp thông tin khuyến nông, cập nhật giá gạo theo thị trường. Ứng dụng phù hợp với những doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường lúa gạo carbon thấp trong tương lai.

Trước khi ra mắt, Rice Hero đã được thử nghiệm qua 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ tháng 6-8/2022 với quy mô trên 200 hộ nông dân tại tỉnh An Giang, giai đoạn 2 từ tháng 4-8/2023 với quy mô 2.000 hộ nông dân tỉnh An Giang. Kết quả thử nghiệm cho thấy ứng dụng vận hành ổn định, ít lỗi phát sinh, giao diện tốt, dễ sử dụng. Các chức năng hỗ trợ bao gồm xem thông tin thời tiết, giá lúa, khuyến nông đều rất có ích cho bà con nông dân. Việc quản trị ứng dụng đơn giản, phù hợp với năng lực quản lý của các địa phương, doanh nghiệp… Cụ thể ở giai đoạn 2 kết quả đo đạc trên diện rộng cho thấy mức phát thải khí nhà kính của các quy trình canh tác mới: 1P5G, AWD, SRI, SRP đều thấp hơn từ 20-35% so với canh tác truyền thống.

Mô hình hệ thống truy xuất nguồn gốc carbon và ứng dụng Rice Hero không phải hai mô hình sản xuất tối ưu năng lượng, giảm phát thải duy nhất tại ngành nông nghiệp Việt Nam. Thời gian qua, ngày càng nhiều các mô hình tương tự xuất hiện, có những mô hình đang ở giai đoạn ý tưởng nhưng cũng có nhiều mô hình đã tiến đến thử nghiệm và cả cho ra mắt. Điểm chung của những mô hình này là mang đến các giải pháp sáng tạo nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh và bền vững trong ngành nông nghiệp.

…Vì một nền nông nghiệp trung hòa carbon

Dấu vết carbon trong sản xuất thanh long. (Nguồn: Khuyến nông Bình Thuận).

Quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu đã và đang tạo ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam có cơ hội đưa những sản phẩm “made in Vietnam” đến gần hơn với thị trường thế giới. Trong bối cảnh đó, công cuộc giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ góp phần nâng cao vị thế của ngành nông nghiệp Việt trên trường quốc tế mà còn thúc đẩy sự chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững. Trong khi đó, nếu không hành động, ngành nông nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề hơn bởi diễn biến khí hậu cực đoan, khó lường.

Hiện đang có nhiều doanh nghiệp đầu ngành đón đầu xu hướng này tại Việt Nam. Điển hình phải kể đến Vinamilk với hành trình xanh khởi nguồn từ các trang trại, từ những bước đi đầu tiên cách đây cả thập kỷ. Theo thông tin Vinamilk công bố, đến hiện tại, doanh nghiệp này đã thực hiện hành trình xanh trên tất cả 13 trang trại thuộc hệ thống trên cả nước. Cụ thể, hiện 100% trang trại đều đã đạt chuẩn Global GAP, sử dụng năng lượng biogas, năng lượng mặt trời, 100% đất của trang trại được canh tác theo phương pháp hữu cơ… Các chỉ tiêu về tiết kiệm tài nguyên, tuần hoàn nước, chất lượng nguồn đất, phát thải CO2 đều được đo đạc, theo dõi hàng năm qua các báo cáo chuyên môn.

Một khâu quan trọng khác trong tiến trình giảm phát thải khí nhà kính là hấp thụ carbon. Hầu hết các trang trại đều dành từ 50 - 70% diện tích cho mảng xanh cũng như phát triển các hồ nước điều hòa sinh thái. Cuối tháng 5/2023, trang trại bò sữa và nhà máy sữa của Vinamilk tại Nghệ An vừa được trao chứng nhận đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060:2014, giúp Vinamilk trở thành công ty sữa đầu tiên tại Việt Nam có nhà máy và trang trại đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn này.

Bên cạnh các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, việc nâng cao ý thức cộng đồng về phát thải trong sản xuất nông nghiệp góp phần giảm khí thải bảo vệ môi trường cũng vô cùng cần thiết. Theo nhiều nghiên cứu, một số nguồn phát thải khí nhà kính lớn gồm quá trình sản xuất lúa và quản lý phế phụ phẩm nông nghiệp. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thói quen, tập quán canh tác lúa của người dân là yếu tố chính ảnh hưởng quyết định lượng phát thải khí nhà kính. Vì vậy, với việc thay đổi nhận thức về các kỹ thuật của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp có thể đem lại tiềm năng lớn trong giảm phát thải khí nhà kính.

Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa số một cả nước với đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, hàng loạt dự án triển khai mô hình canh tác lúa giảm phát thải ra đời và nhận được sự tham gia nhiệt tình của bà con. Nhờ sự tham gia tận tình của bà con cùng với sự đầu tư của ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở, giai đoạn 2015-2022, Hậu Giang giảm phát thải khí nhà kính gần 177.000 tấn.

Có thể thấy, ngành nông nghiệp nước nhà đang thực sự thúc đẩy các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, hướng tới sự phát triển bền vững. Trong đó, điều quan trọng chính là sự chung tay, góp sức của tất cả các bên liên quan trong ngành nông nghiệp, từ khâu sản xuất của người nông dân đến tất cả các khâu thu gom, chế biến, vận hành, vận chuyển, thương mại, tiêu thụ,…

Nông nghiệp là ngành gây phát thải khí nhà kính lớn với tỷ lệ đóng góp 35,8% trong tổng phát thải khí nhà kính toàn quốc chỉ xếp sau ngành năng lượng và giao thông vận tải. Phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp tập trung chủ yếu trong 3 lĩnh vực chính: trồng lúa nước phát thải 49,7 triệu tấn CO2 quy đổi (CO2e), chiếm 50%; chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2e, chiếm 19%; quản lý đất và sử dụng phân bón phát thải 13,2 triệu tấn CO2e, chiếm 13%.

Đọc thêm