Để có những doanh nghiệp 'đầu đàn' dẫn dắt nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việt Nam đã đặt vấn đề xây dựng được những doanh nghiệp dẫn đầu, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phải xây dựng chính sách như thế nào để tạo dựng được những doanh nghiệp dẫn đầu này?
Cần chính sách dài hơi để có không gian cho doanh nghiệp công nghiệp phát triển, dẫn dắt nền kinh tế. (Nguồn: TCTC)
Cần chính sách dài hơi để có không gian cho doanh nghiệp công nghiệp phát triển, dẫn dắt nền kinh tế. (Nguồn: TCTC)

Tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam hiện đã có một số doanh nghiệp (DN) lớn, đã có những DN lọt vào Top các DN được xếp hạng trên thế giới nhưng số lượng ít và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế. Chính vì vậy, cần chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp “sếu đầu đàn” có thể dẫn dắt tăng trưởng, tạo dựng hệ sinh thái dẫn dắt các DN nhỏ và vừa, từng bước lớn mạnh, vươn tầm thế giới.

Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Đình Thiên đánh giá, để nền cơ cấu nền kinh tế phát triển, chúng ta cần những trụ cột dẫn dắt. Trụ cột đầu tiên là ưu tiên phát triển những tập đoàn, DN tư nhân làm động lực cho nền kinh tế như Hòa Phát, Thaco, Vinfast… “Câu chuyện đặt ra là phải xây dựng những tập đoàn đủ sức làm trụ cột và đủ năng lực cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, muốn xây dựng được trụ cột thì nền tảng DN cần phải vững. Muốn nền tảng vững thì tạo không gian phát triển cho DN. Đây là yêu cầu sống còn đối với DN, giúp cho các trụ cột lớn mạnh” - TS. Thiên nói.

Ngoài ra, theo ông Thiên, cũng cần phải tập trung nguồn lực quốc gia cho một số tập đoàn lớn để dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam. Để làm được điều đó cần có các chiến lược lớn, trong đó, chiến lược về công nghiệp cần thay đổi, đi vào trọng tâm của từng ngành, từng DN, từng lĩnh vực.

TS. Thiên nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng tốt nhưng công nghiệp Việt Nam vẫn do các DN đầu tư nước ngoài (FDI) dẫn dắt, do đó, cần hơn nữa những chính sách công nghiệp, tạo ra các chuỗi công nghiệp của Việt Nam, do người Việt Nam đứng đầu. Đồng thời, cần tạo cơ hội, chính sách để DN vừa và nhỏ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của các DN FDI.

“Chúng ta hãy học tập Nhật Bản, xây dựng mô hình DN nhiều tầng. Có DN cực lớn, DN lớn, DN vừa, DN nhỏ, DN siêu nhỏ... Từ chiến lược này, chúng ta dễ dàng phân chia, định hình chiến lược phát triển để phù hợp với từng tầng DN” - ông Thiên gợi ý. Trong đó, cần khuyến khích DN khởi nghiệp sáng tạo. Đây là hành động “bơm máu” cho cộng đồng DN, cho nền kinh tế, từ đây, nhiều gương mặt tỷ phú mới sẽ xuất hiện, tạo ra những “sếu đầu đàn” dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.

Cần chính sách dài hơi để phát triển

Ông Vũ Văn Khoa - Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) nhận định, trong lĩnh vực cơ khí chế tạo ô tô, xe máy, thủy điện đang có một số tập đoàn mạnh như Vinfast, Trường Hải, Thaco, Huyndai... hay Viện Nghiên cứu cơ khí, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tổng Công ty Sông Đà… Những DN, tập đoàn này đã tạo công ăn việc làm cho nhiều DN vệ tinh và người lao động.

“Nhưng ở nhiều lĩnh vực khác, chúng ta chưa có DN đủ mạnh để dẫn dắt ngành công nghiệp chế tạo. Hiện nay, các DN mới chỉ đang xử lý công nghệ nền, chưa có khả năng tự chủ công nghiệp, công nghệ hoàn toàn phụ thuộc vào DN nước ngoài” - ông Khoa nói.

Ông Khoa nêu ví dụ, như trong các chương trình dự án về năng lượng, trong phát triển hạ tầng giao thông đường sắt, đường cao tốc... Việt Nam vẫn đang phụ thuộc lớn vào DN FDI, như vậy, giá trị thặng dư rất ít, hàm lượng công nghệ mang lại cũng không cao. Vì vậy, để tạo động lực cho DN lớn lên, tạo ra được những DN dẫn dắt nền kinh tế hay các DN “sếu đầu đàn” thì cần xây dựng cơ chế và hoàn thiện chính sách.

Theo ông Hoàng Mạnh Tân - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc tế Sơn Hà, để có một ngành công nghiệp Việt Nam phát triển, tạo ra những trụ cột thì cần nhiều yếu tố. Trong đó, từ phía Nhà nước, cần tăng cường niềm tin đối với DN Việt Nam, giao những dự án lớn mà DN có đủ năng lực thực thi, tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào DN nước ngoài. Đặc biệt, để xây dựng được đội ngũ DN dẫn dắt thì cần phải có chính sách dài hơi nên cũng cần phải dần hoàn thiện để tạo điều kiện cho DN phát triển mạnh mẽ.

Về phía DN, ông Tân cho rằng, các DN cần phải lưu ý vấn đề về nguồn nhân lực. Bởi đây là yếu tố hết sức quan trọng trong quá trình phát triển DN. Bản thân DN bây giờ đã chủ động đào tạo, đào tạo ra rất nhiều kĩ sư nhưng đôi khi thiếu ứng dụng thực tế, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đủ.

“Chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường lớn hơn như Trung Quốc, Hàn Quốc... Hiện nay Việt Nam cũng đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của khu vực, của thế giới, trở thành trung tâm sản xuất hàng đầu, do vậy, bên cạnh cơ chế, chính sách từ cơ quan quản lý, bản thân DN cần chủ động các kế hoạch để nắm bắt cơ hội, trở thành những trụ cột phát triển của đất nước, vươn tầm thế giới” - ông Tân nói.

Đọc thêm