Theo đó, câu chuyện được xem là “hi hữu” này lại xảy ra giữa anh Chảo Văn Hình và ông Chảo A Pao cùng trú tại xã Bản Giang, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Theo phong tục tại địa phương, thường ngày cả hai gia đình đều thả trâu nhà mình lên bãi đất trống trên rừng kéo dài cả tuần, có khi cả tháng mới lên tìm một lần. Như những lần khác, đến ngày 30/11/2015, sau thời gian chăn thả, anh Chảo Văn Hình đi lên rừng kiểm tra thì phát hiện con trâu nghé của mình bị mất nên đã đi tìm. Đến ngày 03/12/2015 thì phát hiện con trâu nghé đang bị buộc chung cùng đàn trâu nhà ông Chảo A Pao tại ruộng, anh Hình đã yêu cầu ông Pao trả lại con trâu đó nhưng ông Pao không đồng ý vì cũng cho rằng đó là con trâu nghé đực của nhà mình.
Không còn cách nào khác, anh Chảo Văn Hình đã nộp đơn khởi kiện lên TAND huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu để yêu cầu giải quyết vụ án về tranh chấp tài sản là con trâu nghé đực.
Anh Chảo Văn Hình trình bày: Tháng 10/2014, anh được bố đẻ tặng cho một con trâu cái đang mang thai, sau khi mang về nuôi đến ngày 28/12/2014 (âm lịch) trâu mẹ đẻ ra một con trâu nghé đực, lông màu đen, đến nay được hơn một tuổi, đặc điểm lông màu đen xám, hai sừng thẳng đều dài 18cm, hai má có điểm bạc, chưa xiên mũi, mắt phải có một đốm trắng (cùi nhãn), hàm răng mọc đủ 08 răng sữa, 04 chân đi thẳng, đuôi cong từ gốc đuôi ra về bên phải là 20 cm và quặt về bên trái rồi thẳng xuống dưới. Gia đình anh thả rông con trâu nghé cùng đàn với 05 con trâu của nhà bố ông tại bãi thả chung của hai bản Nà Cơ và Sin Chải, xã Bản Giang. Đến ngày 30/11/2015, ông đi kiểm tra thì phát hiện con trâu nghé bị mất.
Còn ông Chảo A Pao thì cho rằng: Ông được bố vợ cho một con trâu cái, ông đã nuôi đến năm 2014 con trâu đó đẻ ra 01 con trâu nghé đực, lông màu đen, hiện được hơn 01 tuổi, và cũng có đặc điểm giống như nguyên đơn (anh Hình) đã mô tả. Ông thả con trâu nghé gần bãi thả trâu thuộc bản Nà Cơ nhưng bố của anh Hình đã phá hàng rào ngăn cách giữa hai bản, nên đàn trâu của anh Hình đã hoà nhập cùng đàn trâu của bản Sin Chải và lúc này con trâu cái của ông đang có thai lứa khác nên không cho con trâu nghé đực bú nữa, do thả chung nên con trâu nghé đực của gia đình ông đã đi theo bú con trâu mẹ của anh Hình và tự động đi theo con trâu của anh Hình và cứ quen theo con trâu mẹ đó đến nay. Ông Pao khẳng định con trâu nghé đang tranh chấp là trâu của gia đình ông.
Toà án cấp sơ thẩm đã thành lập Hội đồng xem xét thực nghiệm, quá trình thực nghiệm đã đưa hai con trâu mẹ của anh Hình và ông Pao ra trụ sở Uỷ ban nhân dân xã Bản Giang, buộc mỗi con vào hai phía khác nhau và thả con trâu nghé đực đang có tranh chấp ra thì thấy con trâu nghé đực và con trâu mẹ của anh Hình cất tiếng kêu gọi nhau, đồng thời con trâu nghé đực chạy ngay về phía con trâu mẹ của anh Hình quấn quýt với trâu mẹ và rúc vào vú đòi bú. Còn con trâu mẹ của ông Pao thì không có biểu hiện gì.
TAND huyện Tam Đường đã mở phiên tòa sơ thẩm quyết định tuyên con trâu nghé đực đang tranh chấp thuộc về anh Chảo Văn Hình. Không đồng ý với bản án trên, ông Chảo A Pao kháng cáo lên TAND tỉnh Lai Châu đề nghị cơ quan chức năng giám định ADN để xác định chủ tài sản của con trâu.
Kết quả giám định ADN được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định con trâu nghé đực đang tranh chấp và con trâu mẹ của anh Hình có quan hệ huyết thống. Từ kết quả này, cấp phúc thẩm đã quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện Tam Đường. Theo đó, ông Chảo A Pao phải trả lại con trâu nghé đực đang tranh chấp cho anh Chảo Văn Hình.
Việc ra một bản án thấu tình, đạt lý luôn là mục tiêu hướng tới của các thẩm phán trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự diễn ra trên địa bàn tỉnh. Mặc dù phải chịu chi phí số tiền giám định ADN khá lớn để tìm ra sự thật khách quan của vụ án nhưng ông Chảo A Pao vẫn thấy vui vẻ vì “tâm phục, khẩu phục” với phán quyết của Tòa án.