Giám định tư pháp trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư 15/2021/TT-BTNMT (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2021) quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đăng tải công khai danh sách tổ chức giám định tư pháp

Theo Thông tư 15/2021/TT-BTNMT (TT 15), tổ chức có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 19 của Luật Giám định tư pháp (GĐTP) được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Chủ tịch UBND cấp tỉnh lựa chọn, công nhận tổ chức GĐTP theo vụ việc trong lĩnh vực TN&MT.

Trước ngày 30/11 hàng năm, Bộ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định công nhận tổ chức GĐTP theo vụ việc trong lĩnh vực TN&MT. Danh sách tổ chức giám định theo vụ việc của Bộ TN&MT được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT và gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung.

Tại địa phương, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp lựa chọn, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định công nhận, hủy bỏ công nhận tổ chức GĐTP của địa phương. Sở TN&MT đăng tải danh sách tổ chức GĐTP của địa phương trên Cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và Sở TN&MT.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu giám định, Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ TN&MT lựa chọn, trình Bộ trưởng Bộ TN&MT quyết định cử cá nhân, tổ chức giám định đã được công nhận, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TN&MT để thực hiện giám định.

Trong thời hạn tương tự, ở địa phương, Sở TN&MT có trách nhiệm lựa chọn, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định cử cá nhân, tổ chức giám định đã được công nhận, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, Sở TN&MT để thực hiện giám định.

Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh từ chối giám định trong trường hợp nội dung trưng cầu giám định không thuộc lĩnh vực GĐTP quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này hoặc thuộc các trường hợp quy định tại Điều 34 Luật GĐTP và khoản 7, khoản 14 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GĐTP.

Lập văn bản ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực toàn bộ quá trình giám định

Theo Thông tư, khi thực hiện giám định, căn cứ từng nội dung giám định, cá nhân, tổ chức giám định nghiên cứu, đối chiếu nội dung hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật đã được cung cấp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TN&MT để đưa ra nhận xét, đánh giá từng nội dung yêu cầu giám định cụ thể.

Trong quá trình thực hiện giám định nếu có phát sinh nội dung mới hoặc vấn đề khác thì phải thông báo bằng văn bản cho người trưng cầu giám định biết để thống nhất phương án giải quyết; lập văn bản ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực toàn bộ quá trình và kết quả thực hiện giám định. Khi hoàn thành và có kết quả giám định, cá nhân, tổ chức thực hiện giám định lập kết luận GĐTP theo mẫu quy định gửi người trưng cầu giám định.

Đáng chú ý, trong trường hợp trưng cầu trực tiếp cá nhân thực hiện GĐTP thì bản kết luận GĐTP phải có chữ ký và ghi rõ họ, tên của người GĐTP. Trường hợp trưng cầu tổ chức thực hiện GĐTP thì ngoài chữ ký, họ, tên của người giám định, người đứng đầu tổ chức còn phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận GĐTP. Trường hợp yêu cầu tổ chức cử người giám định thì bản kết luận GĐTP phải có đầy đủ chữ ký, ghi rõ họ, tên của người GĐTP và có xác nhận chữ ký của tổ chức cử người giám định.

Cũng theo Thông tư, cá nhân, tổ chức giám định có trách nhiệm bàn giao kết luận giám định cho người trưng cầu giám định. Biên bản bàn giao kết luận GĐTP theo mẫu quy định.

Liên quan đến thời hạn thực hiện giám định, Thông tư quy định: thời hạn GĐTP trong lĩnh vực TN&MT tối đa là 03 tháng; trừ trường hợp quy định tại khoản 16 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GĐTP; trường hợp vụ việc có nội dung giám định liên quan đến hai lĩnh vực quy định tại Điều 3 Thông tư này trở lên hoặc vụ việc có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng.

Thời hạn GĐTP được tính từ ngày Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh nhận được quyết định trưng cầu của người trưng cầu giám định kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định hoặc từ ngày cá nhân, tổ chức được trưng cầu trực tiếp nhận được quyết định trưng cầu của người trưng cầu giám định kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định.

Thông tư cũng quy định, trong quá trình thực hiện giám định, trường hợp cần phải bổ sung thêm hồ sơ, tài liệu làm cơ sở cho việc giám định thì cá nhân, tổ chức được trưng cầu có văn bản đề nghị người đã trưng cầu giám định bổ sung hồ sơ, tài liệu. Thời gian từ khi cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định có văn bản đề nghị đến khi nhận được hồ sơ, tài liệu bổ sung không tính vào thời hạn giám định.

Trường hợp cần thiết, thời hạn GĐTP có thể được gia hạn theo quyết định của người trưng cầu giám định nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì tổ chức, cá nhân giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.

Đọc thêm