Nguồn lực tài chính giảm mạnh...
Trao đổi với báo Pháp luật Việt Nam, ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “BV Bạch Mai là 1 trong 4 bệnh viện được Bộ Y tế chọn thí điểm tự chủ toàn diện. Quan trọng là chữ toàn diện, chứ BV Bạch Mai và nhiều bệnh viện khác đã thực hiện tự chủ nhiều năm nay theo Nghị quyết 43 nhưng mới chỉ dừng lại ở việc chi thường xuyên.
Ngày 17/2/2020 Thủ tướng Chính phủ kí quyết định để BV Bạch Mai thí điểm tự chủ toàn diện. Do đó, trong hai năm qua BV chúng tôi cũng đã thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 33 của Chính Phủ và Quyết định 268 ngày 17/2 bắt đầu thực hiện. Sau hai năm BV cũng đã làm báo cáo gửi Bộ Y tế trình Chính phủ về kết quả thực hiện”.
Về việc xin dừng tự chủ toàn diện, Giám đốc bệnh viện cho rằng: “BV Bạch Mai thí điểm tự chủ trong điều kiện rất khó khăn. Ngày 17/2 vừa bắt đầu thực hiện tự chủ toàn diện thì ngày 20/3 xuất hiện chùm ca bệnh đầu tiên tại BV và phải đóng cửa sau đó 1 tuần. Trong lịch sử hơn 100 năm của BV chưa bao giờ phải đóng cửa nhưng thời gian đó phải đóng cửa suốt mấy tuần liền. Liên tiếp 2 năm dịch COVID-19, trong hai năm đó BV Bạch Mai cùng cả nước tập trung vào công tác chống dịch, đi đôi vẫn là tự chủ toàn diện. Khó khăn nhất là dịch bệnh vì tất cả nguồn lực của BV đều tập trung vào công tác chống dịch và BV tham gia công tác chống dịch tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ở đâu có dịch thì ở đó có nhân lực của BV Bạch Mai, chúng tôi đã đem hết sức người sức của để chống dịch".
Khó khăn thứ hai, theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, hi thực hiện tự chủ, thế hệ lãnh đạo cũ đồng loạt nghỉ, nhiều người vướng vào lao lý. Các cơ quan điều tra cũng chỉ ra dấu hiệu sai phạm. Thực tế này ảnh hưởng sâu sắc tới tâm lý các cán bộ, nhân viên tại BV và tâm lý người bệnh. Sau đó, khi kiểm tra thì những đề án liên doanh liên kết của BV, các cơ quan tư pháp chỉ ra các sai sót, sai phạm, 11/27 đề án được thanh tra chính phủ chuyển cho cơ quan điều tra. Các máy móc thiết bị này BV đã cho dừng hoạt động nên cũng ảnh hưởng đến nguồn lực trang thiết bị y tế, dẫn đến thiếu thiết bị và thiếu nguồn lực tài chính.
Quá trình tập trung chống dịch COVID-19, năm 2020 tổng doanh thu của bệnh viện giảm 2.000 tỷ, năm 2021 giảm 4.000 tỷ. Giá thu bảo hiểm y tế chưa được tính đủ, chỉ có 4/7 yếu tố cấu thành viện phí được xây dựng từ lâu bây giờ trượt giá, do đó nguồn lực tài chính giảm mạnh.
Về cơ sở hạ tầng, BV Bạch Mai đã xây dựng hơn 100 năm nên xuống cấp nghiêm trọng. Các toà nhà mới xây cách đây hơn 20 năm cũng đã xuống cấp nhưng không có nguồn lực để duy tu bảo dưỡng. Tuy nhiên, bệnh viện không còn nguồn lực tài chính. Bởi tài chính eo hẹp, thù lao của cán bộ, nhân viên được trả rất thấp so với những năm trước đó. Do vậy cán bộ nhân viên không yên tâm công tác gắn bó với BV, nhiều cán bộ chuyển sang các BV tư nhân.
Quyết tâm thực hiện tự chủ đề ra để tăng chất lượng dịch vụ chữa bệnh cho người bệnh
Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, tính đến ngày 17/2/2022, Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành thí điểm tự chủ. Tháng 2/2022, BV có báo cáo kết quả trình Chính phủ. Trong thời gian chờ trả lời thì BV vẫn đang được Bộ Y tế hướng dẫn tiếp tục thực hiện tự chủ theo Nghị định 33. Bên cạnh đó, Bệnh viện quyết tâm thực hiện tự chủ đề ra để tăng chất lượng dịch vụ chữa bệnh cho người bệnh. Giảm dịch vụ làm ghép, giảm số giường theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Về tổ chức, BV đã rà soát và kiện toàn viện, trung tâm, khoa, phòng để hoạt động hiệu quả. Với những khó khăn trong 2 năm qua, thì đời sống và chế độ của cán bộ, nhân viên giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên theo lãnh đạo bệnh viện cho rằng, hiện nay các văn bản pháp quy thực hiện tự chủ toàn diện thiếu và không rõ ràng, lỏng lẻo, điều kiện như vậy thì không thể cải thiện
Giám đốc bệnh viện thông tin, hiện tại BV vẫn tiếp tục tự chủ Trong 8 tháng vừa qua, số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 được kiểm soát, công tác khám chữa bệnh trở lại bình thường, số lượng bệnh nhân nội trú ngoại trú tăng đột biến so với khi chưa tự chủ, nhưng hiện tại bệnh viện Bạch Mai vẫn rất khó khăn.
"Hai năm qua BV đã phải sử dụng quỹ hoạt động sự nghiệp của những năm trước tiết kiệm được để trả lương cho nhân viên. Quỹ đến bây giờ không còn. Với giá thu như bây giờ, quý 2 và 3 vừa qua, bệnh nhân đông, cán bộ nhân viên phải tăng ca nhưng đãi ngộ thì rất thấp so với những năm 2018, 2019 khi chưa thực hiện tự chủ...”, PGS.TS Đào Xuân Cơ nói. “Đến nay BV đã báo cáo với Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan. Rất mừng là Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan đang tìm cách tháo gỡ cho Bạch Mai và các bệnh viện khác hết sức quyết liệt. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo tính đúng tính đủ giá viện phí, điều chỉnh các văn bản pháp quy để thuận lợi cho việc mua sắm trang thiết bị y tế, xã hội hoá y tế. Chúng tôi đang tin tưởng và hi vọng những văn bản này sẽ sớm đi vào đời sống để cải thiện được tình trạng hiện tại.
Hiện tại BV Bạch Mai đã đề nghị Bộ Y tế, Chính phủ xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 sang tự chủ theo Nghị định 60 ở nhóm 2 (tự chủ chi thường xuyên). Nếu được tự chủ theo nhóm 2 của Nghị định 60 cùng với việc tính đúng tính đủ giá viện phí thì chắc chắn BV Bạch Mai sẽ có cơ hội vận hành tốt nhất, đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân, thực hiện an sinh xã hội và các nhiệm vụ chính trị khác, đảm bảo đời sống cho cán bộ nhân viên để cán bộ nhân viên yên tâm công tác phục vụ bệnh viện”.
Mới đây xét đề nghị của Bộ Y tế về báo cáo kết quả thực hiện thí điểm tự chủ BV Bạch Mai và BV K, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tiếp tục thực hiện tự chủ sau thời gian thí điểm theo quyết nghị của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP...
Tại văn bản trả lời, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế chỉ rõ tồn tại, hạn chế, vướng mắc cần phải khắc phục, điều chỉnh. Đồng thời, nêu rõ nguyên nhân trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị cụ thể các cơ chế, chính sách cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ chế tự chủ các BV công lập. Việc này, phải được báo cáo Chính phủ trước ngày 25/11...