- Bà có ý kiến gì khi Điều 112 Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) quy định thêm về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập được áp dụng với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, qũy đầu tư…?
Theo tôi, doanh nghiệp có nhiều nguồn thu nhập và Nhà nước đã kiểm soát thu nhập của họ thông qua cơ quan quản lý thuế. Nếu muốn phòng chống tham nhũng thì chỉ nên đưa ra những quy định nhằm hạn chế hành vi “bôi trơn” của doanh nghiệp chứ đừng buộc lãnh đạo phải kê khai tài sản, bởi như thế là xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản cá nhân của họ.
Thực ra, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của doanh nghiệp, doanh nhân và toàn xã hội hiện nay đã và đang được thực hiện thông qua các công cụ thuế; Hệ thống các quy định về đăng ký và quản lý đất đai, bất động sản; Các quy định bắt buộc về đăng ký và quản lý đối với một số loại tài sản có giá trị (ô tô, tàu thuyền...). Cho nên, quy định của Dự thảo như vậy là không cần thiết.
Bên cạnh đó, việc kê khai tài sản của doanh nghiệp như cán bộ, công chức Nhà nước là không phù hợp. Chúng ta không nên đánh đồng doanh nhân với quan chức như vậy. Nếu quy định được thông qua sẽ làm giảm ham muốn làm giàu của doanh nhân chúng tôi.
- Theo bà, quy định này của Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) có thật sự khả thi không?
Ở nước ngoài, các tập đoàn, công ty lớn thường kê khai tài sản để khẳng định uy tín và “lăng xê” khối tài sản kếch xù của bản thân với mục đích chính trị; Hoặc là muốn hướng tới một vị trí chính trị nào đó thì buộc họ phải kê khai tài sản cá nhân, thậm chí là kê khai nhiều hơn số tài sản mà bản thân họ đang nắm giữ.
Nhưng nước ta lại không tồn tại thể chế đó, chính vì thế việc kê khai tài sản cá nhân ở Việt Nam là không hợp lý. Hầu hết các doanh nhân đều cho rằng Dự thảo này không khả thi. Mà đã không khả thi thì khi ban hành tính hiệu quả sẽ không cao.
|
Trên thực tế, vấn nạn tham nhũng nếu xảy ra tại các doanh nghiệp tư nhân thì chỉ tồn tại thông qua hình thức trốn thuế. Như tôi đã chia sẻ ở trên, Nhà nước đã kiểm soát thu nhập của doanh nghiệp thông qua cơ quan quản lý thuế. Chính vì vậy, quy định kê khai tài sản cá nhân của doanh nghiệp, doanh nhân sẽ là thừa thãi và không phù hợp.
- Giả sử nếu như quy định này được thông qua sẽ gây khó khăn gì cho doanh nghiệp, thưa bà?
Dự thảo này chủ yếu là muốn điều chỉnh hành vi tham nhũng trong khu vực công quyền lẫn tư nhân. Nếu như trước đây, chỉ những cá nhân giữ chức vụ cao trong các doanh nghiệp Nhà nước mới phải kê khai tài sản và thu nhập, thì nay, trong Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng bổ sung thêm nhóm đối tượng giữ chức vụ cao trong các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và qũy đầu tư.
Nếu các hành vi giám sát không được định nghĩa một cách rõ ràng, cụ thể thì sẽ dẫn đến nguy cơ lực lượng thoái hóa từ các cơ quan quản lý kiếm cớ “nhũng nhiễu”, “làm phiền” doanh nghiệp.
- Vậy bà có đề xuất gì đối với Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) này?
Theo cá nhân tôi cần phải ưu tiên hoàn thiện thể chế và tạo môi trường kinh doanh minh bạch. Việt Nam đã tốn nhiều công sức và tài chính cho việc tuyên truyền, quảng bá về môi trường đầu tư nhưng nếu thực thi không tốt, vấn nạn tham nhũng sẽ làm cho những cố gắng trở thành vô nghĩa.
Từ đó, vô hình chung lại tạo ra rào cản và cái nhìn không thiện cảm với các đối tác quốc tế. Tính hiệu quả của Luật (sửa đổi) chưa thấy đâu mà chúng ta đã có thể nhận ra ngay sự bất cập rồi.
Thay vì kê khai tài sản cá nhân của các doanh nghiệp tư thì tại sao không giám sát và kê khai tài sản ở những đối tượng dễ tham nhũng hơn? Tôi đề xuất là nên công khai tài sản của cả những người thân các viên chức để đảm bảo tính liêm chính trong đội ngũ cán bộ Việt Nam. Điều này cũng sẽ là tấm gương để mọi người noi theo.
Nếu đánh đồng doanh nhân cũng như quan chức để quản lý về phòng chống tham nhũng thì sẽ hạn chế tinh thần khởi nghiệp và ham muốn làm giàu của doanh nhân.