Luật Các TCTD 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, gồm 15 chương và 210 điều, tăng 5 chương và 47 điều so với Luật Các TCTD hiện hành. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 với nhiều quy định kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tín dụng và một trong những điểm được quan tâm hiện nay là "Giới hạn cấp tín dụng (GHCTD) đối với một khách hàng (KH)" (Điều 136).
Theo đó, trường hợp 1, về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một KH và người có liên quan của KH đó của ngân hàng (NH) thương mại, NH hợp tác xã, chi nhánh NH nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô không được vượt quá tỷ lệ quy định trong từng giai đoạn.
Trái ngược với những ý kiến lo ngại việc GHCTD có thể sẽ dẫn tới thu hẹp lượng KH và KH cũng sẽ bị thu hẹp về nguồn vốn được tiếp cận, thậm chí có thể gây tác động bất lợi kép cho cả KH và NH, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA) cho rằng, đây không phải là vấn đề lớn. Bởi lẽ, tổng tài sản của hệ thống NH hiện nay đang rất lớn, việc NH cho vay 10 - 15% vốn tự có đã là con số không hề nhỏ. Hơn nữa, để bảo đảm quyền lợi chính đáng của NH và KH, cơ quan quản lý đã đưa ra lộ trình 5 năm để giảm tỷ lệ này.
Đặt vấn đề: “Tại sao một dự án lại luôn phải một NH cho vay, chỉ một NH cho vay nếu xảy ra sơ suất thì sẽ ra sao? Tại sao dự án tốt lại không để cho nhiều NH cùng cho vay?", TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng NH phải căn cứ vốn điều lệ của mình để lượng sức mình, cho vay bảo đảm ở tỷ lệ an toàn.
“Tôi rất ủng hộ việc giảm GHCTD với một KH/nhóm KH. Bởi vì trong hoạt động của TCTD, nên hạn chế tập trung vốn tín dụng vào một nhóm KH và một KH để hạn chế rủi ro, bảo đảm an toàn. Hơn nữa, chúng ta đã có quy định cho vay đồng tài trợ thì tại sao với các dự án lớn không đặt vấn đề thực hiện đồng tài trợ?" - ông Hùng phân tích.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA cũng cho rằng, các dự án lớn nếu thực sự minh bạch, hiệu quả thì dù có lên tới hàng tỷ USD cũng không sợ thiếu vốn. Tuy nhiên, DN phải thay đổi, thay vì dựa vào một NH thì cần cho nhiều NH cùng tham gia vào đánh giá, cho vay. Đây cũng là cơ hội để các NH cùng bắt tay nhau tài trợ vốn.
Với việc các quy định về GHCTD sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, đây là dịp để các TCTD rà soát, đánh giá lại tất cả KH/nhóm KH liên quan xem có rủi ro không, có yên tâm không. Nếu thấy tỷ lệ dư nợ quá lớn thì cần phải tính toán để có giải pháp xử lý khi khoản vay đáo hạn.
"Đây cũng là dịp để các DN, tập đoàn có nhiều công ty con, tự đánh giá, cơ cấu lại, nếu cần phải tính tới sáp nhập hay cắt giảm các dự án không hiệu quả. Nếu số vốn vay quá lớn vượt giới hạn cho phép, DN cũng phải tính tới phương án mời NH khác làm đầu mối thu xếp vốn để cùng tài trợ, không nên dựa vào duy nhất một NH" - TS. Nguyễn Quốc Hùng đưa ra lời khuyên.