Hiệu quả từ chương trình tín dụng chính sách cho vay ưu đãi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tích cực triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách cho vay ưu đãi. Tính đến 31/12/2023, việc giải ngân đã đạt 100% tổng quy mô chính sách được Quốc hội quyết nghị; Kết quả hỗ trợ lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách cũng hoàn thành 99,8% kế hoạch…
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng.

Huy động vốn, giải ngân đạt 100% kế hoạch

Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Dương Quyết Thắng, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Nghị quyết số 43), NHCSXH đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, xây dựng, ban hành đồng bộ, đầy đủ các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ liên quan, tổ chức giải ngân các chính sách cho vay ưu đãi, thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay theo quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; Kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn sau đại dịch Covid-19, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn 2022 - 2023, NHCSXH đã chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi cho vay qua NHCSXH, chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay tại NHCSXH theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

Bên cạnh đó, NHCSXH đã huy động nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình, đến 31/12/2023 đạt 38.400 tỷ đồng/38.400 tỷ đồng, hoàn thành 100% hạn mức phát hành được Quốc hội quyết nghị.

Đồng thời, NHCSXH cũng đã chỉ đạo chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố báo cáo UBND, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH rà soát đối tượng, tổng hợp nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi; phân giao kế hoạch vốn và tích cực triển khai giải ngân bảo đảm chính xác, kịp thời, bảo đảm tính pháp lý, đến đúng đối tượng thụ hưởng. Kết quả, đến 31/12/2023, NHCSXH đã giải ngân các chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình với dư nợ đạt 38.400 tỷ đồng, tăng 22.376 tỷ đồng so với năm 2022 với trên 615,6 nghìn lượt khách hàng được vay vốn, đạt 100% tổng quy mô chính sách được Quốc hội quyết nghị.

Kết quả hỗ trợ lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP cũng hoàn thành 99,8% kế hoạch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cũng cho biết, trong quá trình triển khai cho vay chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ- CP tại nhiều địa phương còn chậm trong việc phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề dẫn đến việc giải ngân của NHCSXH chưa kịp thời đến đối tượng thụ hưởng chính sách…

Đề xuất sử dụng nguồn vốn thu hồi nợ từ năm 2024

Nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho rằng, cần kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 đối với số dự toán chưa được NSNN cấp 15% số tiền NHCSXH đã hỗ trợ lãi suất năm 2023 cho khách hàng khoảng 317,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cho phép thực hiện phương án sử dụng nguồn vốn thu hồi nợ từ năm 2024 các chính sách cho vay ưu đãi qua NHCSXH theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, cụ thể:

Đối với nguồn vốn thu hồi nợ đến hạn từ năm 2024 của các chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP; cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, để cho vay quay vòng các chính sách tín dụng ưu đãi này.

Đối với phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh từ năm 2024, NHCSXH đề nghị được phê duyệt hạn mức phát hành bằng số đến hạn trả nợ trái phiếu trong năm, không giảm trừ nguồn vốn thu hồi nợ từ năm 2024 của các chính sách tín dụng ưu đãi đã cho vay từ nguồn phát hành trái phiếu của NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cũng kiến nghị Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành chủ quản chương trình tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, bổ sung đối tượng thụ hưởng: Hộ gia đình DTTS cư trú hợp pháp tại vùng đồng bào DTTS&MN được thụ hưởng chính sách cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; Hộ cận nghèo DTTS cư trú hợp pháp tại vùng đồng bào DTTS&MN, hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp tại các xã khu vực I, II theo Quyết định số 861/QĐ-TTg được thụ hưởng chính sách cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP.

Bổ sung chính sách cho vay: Tại các địa phương thuộc địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN không có điều kiện thực hiện phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thì các đối tượng tham gia vào các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng được vay vốn tại NHCSXH theo quy định hiện hành; Hộ nghèo DTTS, hộ cận nghèo DTTS, hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp tại vùng đồng bào DTTS&MN thiếu đất sản xuất được vay vốn tại NHCSXH để tạo quỹ đất sản xuất.

Ông Dương Quyết Thắng cũng cho rằng, cần phải nâng mức cho vay đối với các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị lên 10 tỷ đồng/cơ sở sản xuất kinh doanh, 200 triệu đồng/hộ gia đình; cho vay hỗ trợ nhà ở, cho vay hỗ trợ đất ở lên 100 triệu đồng/hộ.

Đọc thêm