Giảm nghèo bền vững, phải xóa bỏ tư tưởng ỷ lại

(PLO) - Đó là kiến nghị được nhiều địa phương, Bộ, ngành đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết, đánh giá 6 năm thực hiện Nghị quyết số 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì sáng qua (8/5).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Còn tư tưởng “không muốn thoát nghèo”
Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015 có 10% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đến nay theo đánh giá sơ bộ đã có 8/64 huyện (chiếm tỷ lệ hơn 12%) có tỷ lệ hộ nghèo ngang bằng hoặc thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh.
Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ nghèo bình quân của 64 huyện nghèo còn cao gấp 5,5 lần so với tỷ lệ bình quân của cả nước; một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao trên 50%, cá biệt có huyện cao trên 60-70%; kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo lại tăng; số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm hơn 90% tổng số hộ nghèo chung tại các huyện nghèo (do trên địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số); hệ thống cơ sở hạ tầng đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và địa phương, cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm.
Để xảy ra tình trạng này có không ít nguyên nhân như chính sách còn chồng chéo, trùng lắp về đối tượng, nội dung, địa bàn. Vẫn còn nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, người nghèo nên phát sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không muốn ra khỏi diện nghèo của một bộ phận người nghèo.
Trong khi đó, cơ chế phân cấp trách nhiệm giải trình đối với cấp huyện và cấp xã chưa rõ, nhất là với các công trình hỗ trợ phát triển sản xuất, hạ tầng dân sinh quy mô vừa và nhỏ, làm hạn chế vai trò chủ động của cấp xã, hạn chế sự tham gia của người dân. Đồng thời, cơ chế chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào vùng dân tộc, miền núi chưa đủ mạnh nên vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư vào huyện nghèo…
Tăng tín dụng cho giảm nghèo
Vì vậy, nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đề xuất cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chương trình và chính sách giảm nghèo; thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững; giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho không, thay thế dần bằng các chính sách hỗ trợ cho vay ưu đãi lãi suất; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các huyện nghèo thông qua đào tạo nghề, tạo việc làm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa trên địa bàn các huyện nghèo;…
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các tổ chức đoàn thể trong thực hiện chính sách giảm nghèo; về việc thực hiện, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đề nghị chính sách 30a “đối xử” phải khác nhau chứ không chung chung trên toàn quốc, phải có chính sách giúp hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo mới giúp hộ nghèo không tái nghèo.
Cho rằng “muốn xã hội ổn định, đất nước phát triển thì tỷ lệ hộ nghèo phải giảm; phải bảo đảm được an sinh xã hội, phải bảo đảm được chỉ tiêu về giảm nghèo; lo cho dân là phải lo mọi thứ, nhưng trước hết là phải lo về đời sống”, Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa các chương trình giảm nghèo bởi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn quá lớn, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng thời gian tới, phải tập trung giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo nhất, khó khăn nhất. “Các Bộ, ngành theo chức năng, trách nhiệm của mình đều phải đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ này. Trong kế hoạch, chương trình công tác, trong đề xuất chính sách phải hết sức quan tâm đến nhiệm vụ giảm nghèo bền vững. Các địa phương cũng phải đưa mục tiêu giảm nghèo vào Nghị quyết Đại hội Đảng ở cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh; nêu hết sức cụ thể về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, các Bộ, ngành hữu quan tiếp tục chuẩn bị, cân đối; bảo đảm và tăng thêm nguồn lực của Trung ương trong trung hạn dành cho chương trình này; dành nguồn lực của địa phương theo thẩm quyền cho thực hiện chương trình giảm nghèo; lồng ghép hiệu quả chương trình giảm nghèo với các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác, kiểm soát tốt các nguồn lực đầu tư. Tiếp tục quan tâm huy động nguồn lực từ các nguồn khác để tăng tín dụng cho thực hiện chương trình giảm nghèo.
Trong 6 năm tổ chức thực hiện, nguồn lực phân bổ và huy động hỗ trợ các huyện nghèo theo Chương trình 30a (chưa kể kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo chung như mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ nhà ở…) là 20.189 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 17.051  tỷ đồng, ngân sách địa phương là 2.000  tỷ đồng, hỗ trợ của các DN là 3.138  tỷ đồng.

Đọc thêm