Giảm sản lượng khai thác để bảo tồn nguồn lợi biển

(PLVN) - Sản lượng khai thác thủy sản sẽ phải giảm từ 3,9 triệu tấn như hiện nay xuống còn 2,8 triệu tấn; diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển trên diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia phải tăng từ 1,78% hiện nay lên đạt tối thiểu 6%.
Ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương.
Ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương.

Những con số trên được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản và Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam do Tổng cục Thủy sản tổ chức cuối tuần qua. Xung quanh vấn đề này, PLVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.

Thứ trưởng cho biết, tiềm năng phát triển thủy sản của nước ta hiện nay như thế nào?

- Trong nhiều năm qua tốc độ tăng trưởng thủy sản khá cao, Ví dụ năm 2020 này chúng ta phấn đấu đạt 8,5 triệu tấn, trong đó khai thác là 3,9 triệu tấn, nuôi trồng là 4,6 triệu tấn. Có thể khẳng định  đến giờ phút này các chỉ tiêu đề đạt. Về xuất khẩu, tuy ảnh hưởng nhiều về dịch Covid-19, về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mưa lũ…, nhưng giá trị xuất khẩu không hề giảm so với năm 2019. 

Đó là những lợi thế chúng ta huy động được một cách tương đối toàn diện, kể cả nội đồng và khai thác. Tuy nhiên những năm tới đây, phần lớn chúng ta sẽ tập trung vào nuôi biển, đây là mảng rất quan trọng mà chúng ta chưa tạo được khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện cho các DN đầu tư. Nếu nuôi biển được phát huy thì từ nay đến năm 2030 chúng ta đạt được sản lượng 2 triệu tấn thủy sản, trong đó giảm phần khai thác, tăng phần nuôi trồng để bảo tồn nguồn lợi biển. Đó là hướng phát triển bền vững (PTBV) của thủy sản Việt Nam. 

Thứ trưởng có nói là giảm khai thác để bảo tồn nguồn lợi thủy sản, tới đây việc này sẽ được triển khai như thế nào? Cùng với đó là giải pháp nào đảm bảo sinh kế của ngư dân?

- Đúng là cường độ khai thác của chúng ta là quá lớn với đội tàu 96.609 chiếc, trong đó, tàu có chiều dài 15m trở lên là trên 31.000 chiếc. Nếu khai thác với cường độ này sẽ rất khó khăn trong việc phục hồi. Thứ nữa, trong cơ cấu ngành nghề, chúng ta còn có hạn ngạch. Tới đây trong điều kiện chiến lược 2030- 2045, chúng ta hạn chế hạn ngạch, hạn chế đội tàu, hạn chế nghề thì mới đảm bảo đạt được mục tiêu.

Về đảm bảo sinh kế cho ngư dân, trong Chiến lược phát triển thủy sản có 9 đề án, trong đó đề án quan trọng và cấp thiết là chuyển đổi nghề cho ngư dân. Đây là một trong những giải pháp vừa đảm bảo sinh kế vừa hạn chế nghề có tính chất hủy dệt, vừa phải duy trì tốc độ phát triển. Ví dụ: Chuyển từ khai thác sang nuôi trồng; Giảm số lượng tàu; Tăng cường tàu xa bờ, giảm tàu gần bờ...

Năm nay sản lượng khai thác là 3,9 triệu tấn,  quá lớn so với tiềm năng của ta nên cần phải giảm sản lượng khai thác. Ví dụ giảm  xuống còn 2,8 triệu tấn thôi, nhưng tăng nuôi biển lên. Nhưng nuôi biển hiện đang vướng. Ví dụ như vấn đề giao mặt nước biển trong Nghị định 51/2014/NĐ-CP, hạ tầng đầu tư... Phải có môi trường thì DN mới ra nuôi biển. Nuôi biển có lợi thế là giảm ô nhiễm môi trường, dễ truy xuất nguồn gốc, độ đồng đều sản phẩm cũng như quy mô sản lượng sản phẩm lớn hơn...

Đúng là nói thì dễ! Nhưng để làm được việc này, chúng ta có Luật Thủy sản 2017, thứ hai là sắp tới xây dựng Chiến lược, trong đó có 9 cái đề án như tôi đã nói ở trên. Thứ nữa, Bộ TN&MT trong hướng dẫn Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sẽ giao mặt nước được hoàn thiện như Nghị định 51/2014/NĐ-CP... 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến 

Thưa Thứ trưởng, về mục tiêu diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia như Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chúng ta đang gặp khó khăn gì?

- Thực ra chúng ta đã có quy hoạch 16 khu bảo tồn biển (KBTB) nhưng đến nay mới thành lập được 12 khu. Trong thời gian tới cần phải có giải pháp quyết liệt để đảm bảo được 16 KBTB theo quy hoạch. Tôi cũng phải khẳng định là việc hình thành các KBTB một cách hành chính như vậy nhưng đi vào bảo tồn có hiệu quả hay không cần phải xem xét. Hiện nay chúng ta thấy làm được nột số việc, nhưng để phát triển bền vững phải bảo tồn.  Trước hết phải nhận thức đúng. Có bảo tồn mới có nguồn lợi, mới bền vững… 

Một trong những ví dụ điển hình là Formosa, sau một thời gian khắc phục, số lượng loài, sản lượng tăng lên rất nhiều. Chúng ta đã thấy được kết quả khả quan. Những khu vực bảo tồn tốt như Cù Lao Chàm, không những có giá trị sinh thái còn giá trị loài, giá trị thủy sản, du lịch…  Như vậy, bảo tồn là rất quan trọng. Nếu chúng ta không bảo tồn tốt thì mục tiêu PTBV sẽ là bài toán khó…

Thực tế đang có độ “vênh” giữa các địa phương trong bài toán bảo tồn và phát triển, đặc biệt là sức ép của du lịch đối với công tác bảo tồn. Chúng ta giải bài toán này như thế nào, thưa Thứ trưởng?

-Theo Nghị quyết 36-NQ/TW, diện tích các KBTB, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Với một  đất nước có 3.620km bờ biển, với diện tích biển 1 triệu km2, Nếu chúng ta làm tốt công tác bảo tồn như Nghị quyết 36-NQ/TW  thì phải khẳng định mục tiêu PTBV chúng ta đạt được. Tuy nhiên, đến giờ này chúng ta mới đạt được 1,78%. Sắp tới, trong Chiến lược phát triển thủy sản. khi làm quy hoạch KBTB sẽ phải nhấn mạnh các giải pháp để đạt được mục tiêu này. 

Tại Hội nghị này, qua thông tin, báo cáo, tham luận...  cho thấy, nếu không làm ngay KBTB, khắc phục ngay mhững yếu điểm, ví dụ như bộ máy, kinh phí, tổ chức thực hiện, hoàn thiện thể chế… thì chúng ta khó có KBTB tốt. Và kinh nghiệm các nước phát triển, kể cả trên cạn lẫn dưới nước là nếu không làm tốt công tác bảo tồn ngay từ đầu, trong lúc công nghiệp hóa, đô thị hóa, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… , chúng ta sẽ rất khó khăn và phải bỏ nhiều kinh phí nếu sau này mới tiến hành.

Xin cám ơn Thứ trưởng!

Đọc thêm